Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những luật có hiệu lực ngay từ ngày đầu năm mới 2024

(VTC News) -

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày đầu năm mới 1/1/2024.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 9/1/2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Bao gồm 12 chương với 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.

Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại TP Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN) 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày đầu năm mới 2024 quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

7 nhóm đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh theo luật mới gồm: người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh.

Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật cũng thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) 

Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong 8 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 23/6/2023. Bộ luật gồm 10 chương với 96 điều.

Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Quảng Trị hồi tháng 7/2023. (Ảnh: VGP)

Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế; tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế.

Bên cạnh đó, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó...

Luật mới cũng bổ sung một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; bổ sung quy định về hình thức chào hàng cạnh, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà…

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày đầu năm mới Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 15/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Trong đó, đối tượng áp dụng là cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: quochoi.vn)

Điểm thay đổi nổi bật của Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) so với trước đó là việc nguyên tắc thi đua, khen thưởng có một số thay đổi.

Cụ thể, về nguyên tắc trong thi đua: tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch (Bổ sung “minh bạch” trong thi đua); đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

Về nguyên tắc trong khen thưởng: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời (Bổ sung “minh bạch” trong khen thưởng); bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được (Yêu cầu có thêm tính thống nhất đối với công trạng, thành tích đạt được; không còn yêu cầu “tính chất” khen thưởng).

Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm mới).

Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm mới).

Không còn quy định về nguyên tắc kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Anh Nhật

Tin mới