Cá hồi
Thịt cá hồi chứa hàm lượng lớn protein, axit béo omega-3, vitamin B, D và các khoáng chất thiết yếu. Để tránh làm mất đi những vi chất bổ dưỡng, người ta chế biến cá hồi thành sushi, chiên hoặc nấu lẩu.
Mọi người nên ăn cá hồi ít nhất hai lần trong một tuần. (Ảnh: Best Health)
Cá rô phi
Cá giàu protein, ít chất béo, mức thủy ngân thấp nhất trong các loài cá nên phù hợp với trẻ em trên hai tuổi, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Trong 100 g cá có 26 g protein và chỉ chứa 2 g chất béo.
Cá mòi
Cá mòi là một loài cá nhỏ, màu trắng, vảy nhỏ, da bóng nhẫy. Dù kích thước nhỏ nhưng cá mòi chứa một lượng lớn omega-3, vitamin B12, D và canxi, DHA giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi. Cá mòi đóng hộp có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng bởi trong hộp cá có đủ xương và da cá.
Cá trích
Cá trích nhiều selen, vitamin B12, vitamin D, sắt và chất chống oxy hóa. Loại cá này còn được gọi là "cá béo" bởi dầu trong cá có chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho trí não.
Cá thu Đại Tây Dương
Loại cá này giàu protein, niacin, selen, magie, sắt, kali, nhiều vitamin D giúp tăng cường miễn dịch. Cá thu thường được hun khói hoặc đóng hộp, người dùng có thể phi lê cá thu tươi để chế biến món nướng.
Cá cơm
Cá cơm là một loại cá béo nhỏ cung cấp một lượng đáng kể EPA và DHA omega-3. Loại cá này có hàm lượng thủy ngân thấp nên được đánh giá là một trong những lựa chọn lành mạnh và an toàn cho mọi người.
Cá hồi cầu vồng
Thịt cá chứa hàm lượng protein cao và giàu omega-3. Trong 85 g cá chứa khoảng 17 g protein. Cá hồi cầu vồng nuôi thường an toàn hơn loại cá tự nhiên bởi hàm lượng tồn dư các chất độc hại ngoài biển sẽ được giảm đáng kể.
Cá ngừ
Trong 100 g cá chứa 184 kcal, 30 g protein, canxi 10 mg, magie 64 mg và các loại vitamin A, B, B6. Cá ngừ tươi hay cá ngừ đóng hộp đều vẫn giữ được vị ngon và giá trị dinh dưỡng.