Mỹ nhiều lần nói rằng có những vũ khí mà họ sẽ không gửi đến Ukraine để chống lại các lực lượng Nga. Nhưng 10 tháng xung đột vừa qua cho thấy, giới hạn hỗ trợ của Mỹ có thể thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine và Tổng thống Zelensky có thể vẫn đạt được điều mình muốn.
"Điều ước đêm Giáng sinh"
Sau chuyến thăm táo bạo đến Washington hôm 21/12, ông Zelensky rời đi với gần 2 tỷ USD vũ khí và thiết bị mới - cũng như cam kết từ quốc hội Mỹ về khả năng viện trợ bổ sung gần 50 tỷ USD vào năm tới.
Và trong khi ông không có được mọi thứ trong “danh sách điều ước” mà mình mong muốn, theo ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nước này vẫn cam kết cung cấp các thiết bị mà Ukraine cần.
Tổng thống Ukraine đến Mỹ và có phát biểu ở quốc hội Mỹ. (Ảnh: NY Times)
Ông Kirby nói: “Bất kỳ tổng thống nào, bất kỳ tổng tư lệnh nào, trong những hoàn cảnh tương tự đều sẽ muốn họ nhận được nhiều nhất có thể trong thời gian nhanh nhất có thể, và chúng tôi cam kết thực hiện phần việc của mình về vấn đề đó”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky không dành nhiều thời gian trong cuộc họp để xem xét từng yêu cầu vũ khí cụ thể của Ukraine. Cuộc thảo luận không được “thúc đẩy bởi một danh sách” các hạng mục hỗ trợ bổ sung, mà thay vào đó, “đã có một cuộc thảo luận rộng hơn, sâu hơn về tình hình ở Ukraine và về việc tương lai sẽ ra sao”.
Ông Kirby nói: “Hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine. Còn hỗ trợ những gì và bao nhiêu, điều đó vẫn chưa được xác định”.
Chuyến đi của ông Zelensky là minh chứng sống động cho chiến lược lôi kéo và gây sức ép với các đồng minh của ông. Đánh giá cao sự hỗ trợ từ Mỹ với nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí, ông biết rằng sẽ không có được tất cả những gì mình muốn. Dù vậy, Zelensky dường như tin rằng những yêu cầu liên tục cộng với diễn biến thay đổi trên chiến trường sẽ khiến Washington phải điều chỉnh lại các đánh giá về những gì Ukraine có thể nhận được thêm, mà không dẫn đến nguy cơ leo thang nguy hiểm với Nga.
Các quan chức Ukraine trước đó, trong nhiều tháng, đã công bố các yêu cầu thiết bị hàng đầu của họ. Gần đây nhất, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của ông Zelensky, đưa ra một dòng tweet có tiêu đề: “Danh sách điều ước Giáng sinh của tôi”.
Trong danh sách này, một hạng mục đã được Tổng thống Mỹ Biden “hồi đáp” – đó là hệ thống phòng không Patriot. Nhưng chính quyền Mỹ từ chối cung cấp hoặc giúp cung cấp 4 hạng mục khác, bao gồm xe tăng chiến đấu và tên lửa tầm xa.
Sau đó, trong một cuộc họp báo hôm 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ thấp tầm quan trọng của Patriot, nói rằng Nga sẽ tìm cách đánh bại. “Chúng tôi sẽ luôn có thuốc giải độc. Vì vậy điều này chỉ càng khiến xung đột kéo dài”, ông nói tại điện Kremlin.
Ở một số khía cạnh, chính quyền ông Biden có vẻ chấp nhận rủi ro lớn hơn khi xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn. Một số hệ thống vũ khí ban đầu vốn bị loại bỏ trong danh sách đưa ra chiến trường, như pháo phản lực HIMARS và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, giờ đã được phê duyệt và đang tham chiến hoặc đang trên đường được triển khai.
Nhưng một số quan chức Mỹ lập luận rằng, thứ thay đổi không phải là mức độ rủi ro Nhà Trắng sẵn sàng chấp nhận, mà là bản chất cuộc chiến. Ukraine có nhu cầu lớn hơn đối với hệ thống HIMARS khi cuộc chiến trở thành trận chiến của pháo binh và các đơn vị chỉ huy của Nga rút lui khỏi tiền tuyến. Ngoài ra, chính quyền Biden đã quyết định gửi Patriot đến khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine trong mùa đông.
Cả hai hệ thống HIMARS và Patriot đều yêu cầu người vận hành phải qua đào tạo, do đó, Ukraine phải “đánh đổi” với việc rút các binh sĩ có kinh nghiệm từ tiền tuyến về, nhằm tham gia quá trình này. Và Mỹ chỉ muốn có động thái một khi họ chắc chắn rằng các hệ thống tinh vi hơn có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn.
Những "món quà" Ukraine mong muốn nhận được
Hiện, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết các loại “vũ khí cấm” đưa ra được chia thành ba loại cơ bản. Nhóm đầu tiên bao gồm các vũ khí như tên lửa tầm xa gọi là ATACMS, với tầm bắn khoảng 290 dặm (466,7 km). Chính quyền Biden lo ngại rằng nếu Ukraine rơi vào tình thế quá tồi tệ, họ có thể sử dụng tên lửa này tấn công các mục tiêu ở Nga, khiến Tổng thống Putin phải mở rộng cuộc chiến.
Khi được hỏi về các tên lửa trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, ông Biden cảnh báo rằng mang số vũ khí này đến Ukraine có thể phá vỡ sự thống nhất về chủ trương của NATO trong việc ủng hộ Kiev. “Họ không muốn gây chiến với Nga”, ông nói về liên minh. “Họ không hướng đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.
Nhưng một số cựu chỉ huy Mỹ không đồng tình với lý do nước này giữ lại những vũ khí then chốt vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Frederick B. Hodges, một trung tướng đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy quân đội hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, bình luận: “Chính quyền tiếp tục đánh giá quá cao nguy cơ leo thang và đánh giá thấp sự thông minh cũng như cách thức chiến đấu sáng tạo của Ukraine”.
Nhóm thứ hai bao gồm các loại vũ khí như máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle và MQ-9 Reaper, được cho là sẽ cho phép Ukraine tấn công một loạt mục tiêu ở phạm vi rộng hơn hoặc sử dụng cho các cuộc tấn công khác. Các quan chức Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại rằng nếu những chiếc máy bay không người lái đó bị bắn hạ hoặc gặp sự cố, Nga có thể thu hồi và khai thác công nghệ từ những thiết bị này.
Loại thứ ba bao gồm các loại vũ khí như xe tăng chiến đấu Abrams và máy bay chiến đấu F-16, những vũ khí tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Ukraine đã có đủ xe tăng và máy bay chiến đấu từ các nước khác. Quan trọng hơn, họ đánh giá các hệ thống này phải mất hàng tháng để học cách sử dụng và có yêu cầu bảo trì phức tạp, cần các nhà thầu dân sự tham gia – và họ khó hoạt động an toàn ở Ukraine.
“Đây là những lựa chọn khó khăn”, Hạ nghị sĩ Jason Crow, đảng Dân chủ ở Colorado, thành viên ủy ban tình báo và vũ trang tại hạ viện Mỹ, nhận định. Ông nói rằng ông ủng hộ việc gửi ATACMS và F-16 cho Ukraine, nhưng xe tăng chiến đấu thì không.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, đảng viên đảng Dân chủ tại bang Connecticut, thành viên của ủy ban đối ngoại, cho biết những đạn dược Ukraine cần thêm không phải là loại Mỹ dễ dàng cung cấp.
Ông nói: “Đơn giản là chúng tôi không có sẵn, cũng không chế tạo được các loại đạn phù hợp với thiết bị của họ”.
Ông Murphy thừa nhận với một Quốc hội chia rẽ — đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng tới, trong khi đảng Dân chủ sẽ giữ thế đa số tại Thượng viện — việc Mỹ hỗ trợ Ukraine có thể trở nên khó khăn hơn.
Ông nói: “Ông Zelensky luôn có mong muốn lớn và điều đó hoàn toàn hợp lý, nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo ông ấy có đủ khả năng vào thời điểm phù hợp. Nhưng chúng tôi cũng có nghĩa vụ đối với những người nộp thuế là không lãng phí tiền”.
Với mỗi yêu cầu mới từ Ukraine, Mỹ được cho là đã cố gắng đánh giá xem Nga có thể phản ứng như thế nào bằng cách xem xét các bình luận của điện Kremlin, cả những phản ứng trong quá khứ của khi Mỹ hỗ trợ các đồng minh và đối tác của mình trong châu Âu.
Một điều quan trọng hơn tất cả những khía cạnh khác mà Mỹ xem xét khi nghĩ đến việc cung cấp hệ thống vũ khí nào cho Ukraine: Nga vẫn đang kiềm chế.
Theo đánh giá của Mỹ, dù Nga liên tục gia tăng quy mô và cường độ các cuộc tấn công, Moskva cho đến nay vẫn chưa để xung đột lan sang lãnh thổ NATO. Các quan chức Mỹ tiếp tục khẳng định họ không nhận ra dấu hiệu nào cho thấy Nga quyết định mở rộng các cuộc tấn công ra ngoài Ukraine.
Không có cuộc tấn công mạng tăng cường nào từ các cơ quan tình báo Nga vào các đồng minh NATO và không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã tiến hành bất kỳ cuộc tấn công phá hoại nào vào các nước trong liên minh này.
Việc Nga dường như không hướng đến đối đầu trực tiếp với NATO được xem là “chìa khóa” để liên minh này cân nhắc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết, câu hỏi quan trọng là: Nga sẽ coi hệ thống vũ khí là thứ dùng để tấn công Moskva hay thứ dùng để sử dụng bên trong Ukraine, và nó có trở thành lý do để mở rộng cuộc chiến hay không.