Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những điều chỉnh mới đáng chú ý của Trung Quốc sau 3 năm kiên định Zero-COVID

(VTC News) -

Ngày 7/12, Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng chính sách Zero-COVID, đồng thời đặt nước này vào giai đoạn sống chung với dịch bệnh.

Trong một thông báo được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước CCTV, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông báo 10 chỉ dẫn mới nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đáng chú ý nhất là việc cho phép cách ly tại nhà và hủy bỏ kiểm tra mã QR sức khỏe, vốn từng là những quy định bắt buộc để được phép vào hầu hết các địa điểm công cộng.

Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ngày 1/12. (Ảnh: Getty Image)

Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp trên trong tuần này, cho thấy sự thay đổi hướng đi đối phó với COVID-19. Ngoài ra, một số thành phố lớn cũng đang nới lỏng yêu cầu xét nghiệm.

Có thể nói đây là sự thay đổi chính thức đầu tiên trong chính sách chống COVID-19 ở cấp độ quốc gia của Trung Quốc - một bước ngoặt đáng chú ý sau 3 năm kiên định cho rằng duy trì các biện pháp hạn chế là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Dưới đây là một số thay đổi lớn nhất trong sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện hay.

Hủy bỏ mã QR sức khỏe

Kể từ đầu đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã sử dụng mã sức khỏe trên điện thoại di động để theo dõi tình trạng sức khỏe của từng người. Màu sắc của những mã này, đỏ, vàng và xanh sẽ quyết định liệu người sử dụng có thể rời nhà, sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng và vào những nơi công cộng hay không, hoặc liệu họ có cần cách ly không.

Theo những chỉ dẫn được công bố ngày 6/12, người dân có thể đến hầu hết các địa điểm mà không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay mã sức khỏe. Đây là một bước tiến quan trọng của Trung Quốc sau gần 3 năm người dân đối mặt với một số gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày vì dịch bệnh.

Chỉ một số trường hợp vẫn cần kiểm tra y tế, chẳng hạn như khi vào viện dưỡng lão, các trung tâm y tế và các trường trung học. Các doanh nghiệp hiện có thể tự quyết định các biện pháp ngăn ngừa và chính sách kiểm soát của mình.

Cho phép cách ly tại nhà

Một thay đổi quan trọng khác là những bệnh nhân COVID-19 tiền triệu chứng hoặc những người có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà thay vì phải tới các cơ sở cách ly tập trung. Các bệnh nhân có tình trạng bệnh xấu đi sẽ được chuyển tới bệnh viện để điều trị. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 có thể cách ly tại nhà.

Hạn chế phong tỏa

Những chỉ dẫn mới cũng yêu cầu các nhà chức trách "đảm bảo chức năng bình thường của xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản", quy định các khu vực không được chỉ định là khu vực có nguy cơ cao không nên hạn chế hoạt động đi lại của người dân hay đóng cửa các doanh nghiệp.

Việc phong tỏa chỉ được phép thực hiện trong những "khu vực có nguy cơ cao" và sau đó nên "nhanh chóng" dỡ bỏ nếu không có ca mắc mới trong 5 ngày liên tiếp. Quy định mới của Trung Quốc cũng quy định các nhà chức trách không được chặn các lối thoát hiểm hoặc các cổng ra vào để người dân có thể sơ tán cũng như tìm kiếm sự chăm sóc y tế trong những trường hợp cần thiết.

Kế hoạch tiêm vaccine

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 6/12 cũng nhấn mạnh nhu cầu cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở những người cao tuổi, đồng thời cho biết, tất cả các địa phương nên thực hiện việc tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể.

Trong khi biến thể Omicron nhẹ hơn các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ tiêm vaccine nói chung tại Trung Quốc ở mức cao thì các chuyên gia cho rằng, thậm chí chỉ có số lượng nhỏ các ca mắc nghiêm trọng trong những người dễ tổn thương và những nhóm chưa tiêm vaccine như người cao tuổi thì việc đó cũng có thể khiến các bệnh viện quá tải nếu số ca mắc tăng vọt ở quốc gia 1,4 tỷ dân này.

Người dân Trung Quốc được xét nghiệm trước khi rời khỏi nơi phong toả. (Ảnh: Getty Image)

Hoạt động đi lại trong nước

Những quy định mới cũng khiến việc đi lại trong nước ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn với những người đi từ vùng này sang vùng khác khi không cần kết quả xét nghiệm âm tính hay mã sức khỏe.

Những yêu cầu trước đó cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như đóng cửa ranh giới giữa các tỉnh và tạm dừng tàu xe đã khiến việc đi lại ở Trung Quốc gặp khó khăn trong những năm qua. Với nhiều người Trung Quốc rời quê để đi tìm việc tại các thành phố, những quy định cũ khiến họ bị chia cách với gia đình hoặc bị mắc kẹt nơi đất khách quê người mà không có thu nhập trong thời gian phong tỏa.

Hạn chế sự gián đoạn trong cuộc sống thường ngày

Một số thay đổi khác trong chiến lược ứng phó với COVID-19 của Trung Quốc có thể khiến cuộc sống của người dân ít bị gián đoạn hơn.

Chẳng hạn, các trường học không có ca mắc COVID-19 được yêu cầu tiếp tục "hoạt động giảng dạy trực tiếp như bình thường" và mở lại các địa điểm như quán cafe, thư viện, sân thể thao. Trong khi đó, các trường học ghi nhận ca mắc COVID-19 cũng có thể tiếp tục "giảng dạy và sinh hoạt bình thường", miễn là chỉ định rõ các khu vực có rủi ro và đưa ra các biện pháp ứng phó.

Những chỉ dẫn này cũng nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận phổ biến các loại thuốc chữa bệnh, dỡ bỏ các hạn chế trước đó khiến việc mua thuốc cảm sốt của người dân gặp khó khăn. Kể từ đầu đại dịch, Trung Quốc yêu cầu phải có đơn của bác sĩ hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được mua các loại thuốc trên.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng hối thúc các bác sĩ và các trung tâm y tế địa phương tiếp tục theo sát tình trạng sức khỏe của các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu.

Một số chuyên gia cảnh báo việc mở cửa trở lại không tránh khỏi dẫn đến những rủi ro sức khỏe, đặc biệt là ở những nhóm dễ tổn thương.

"Rủi ro lớn khi các quốc gia quyết định dịch chuyển khỏi chính sách Zero COVID là sức ép lên hệ thống chăm sóc y tế", Ruklanthi de Alwis, Phó Giám đốc Trung tâm Chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh tại Trường Y khoa Duke-NUS ở Singapore cho hay.

Kiều Anh (VOV.VN/CNN)

Tin mới