Hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư, bởi tế bào ung thư thường phát triển và nhân lên nhanh hơn so với các tế bào bình thường trong cơ thể.
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hóa trị thường được sử dụng phối hợp với các phương pháp điều trị khác, ví dụ như phẫu thuật, xạ trị hoặc trị liệu hormone. Việc này phụ thuộc vào:
- Giai đoạn ung thư và loại ung thư mà bạn mắc phải
- Tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn
- Các phương pháp điều trị ung thư khác mà bạn đã sử dụng
- Vị trí các tế bào ung thư
Hóa trị được coi là một phương pháp điều trị hệ thống, nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Mặc dù hóa trị được chứng minh là có thể tấn công các tế bào ung thư một cách rất hiệu quả, nhưng hóa trị cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn mà có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Bạn nên cân nhắc giữa những ảnh hưởng này với nguy cơ nếu không điều trị để có thể đưa ra quyết định xem liệu bạn có nên điều trị hóa trị hay không.
Tại sao hóa trị lại được sử dụng?
Hóa trị thường được dùng chủ yếu để:
- Làm giảm tổng số lượng tế bào ung thư trong cơ thể bạn.
- Giảm nguy cơ ung thư lan rộng và di căn
- Làm giảm kích thước khối u
- Giảm các triệu chứng của ung thư
Nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư, ví dụ như cắt bỏ khối u ung thư vú, bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị hóa trị để đảm bảo rằng nếu có các tế bào ung thư còn sót lại thì chúng cũng sẽ bị tiêu diệt.
Hóa trị cũng được áp dụng trước khi áp dụng các phương pháp điều trị khác. Hóa trị có thể được dùng để làm nhỏ kích thước khối u trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc trước khi tiến hành xạ trị.
Trong các trường hợp bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối, hóa trị được sử dụng để làm giảm đau.
Ngoài điều trị ung thư, hóa trị còn được sử dụng với các bệnh nhân mắc các bệnh về tủy xương để điều trị tế bào gốc và cũng được sử dụng trong các rối loạn về hệ thống miễn dịch.
Liều hóa trị dùng trong các rối loạn hệ miễn dịch thường thấp hơn rất nhiều so với liều hóa trị dùng để điều trị ung thư. Các rối loạn miễn dịch có thể sử dụng hóa trị bao gồm bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp.
Tác dụng không mong muốn của hóa trị
Hóa trị thường được dùng để tiêu diệt các tế bào có tốc độ nhân lên rất nhanh. Trong khi tế bào ung thư là một tế bào như vậy, thì cũng có rất nhiều tế bào khác trong cơ thể cũng có tốc độ nhân lên nhanh.
Các tế bào ở tóc, tế bào da, tế bào niêm mạc đường tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng của hóa trị.
Bên cạnh đó, một số tác dụng không muốn khi tiến hành hóa trị có thể xảy ra: dễ bị bầm tím và chảy máu quá mức, tiêu chảy, khô miệng, mệt mỏi, sốt, rụng tóc, sụt cân, đau do thương tổn dây thần kinh, các vấn đề về trí nhớ, màu da thay đổi...
Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các tác dụng không mong muốn này bằng cách sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và nhiều cách khác.
Đa số các tác dụng không mong muốn của hóa trị sẽ biến mất khi quá trình điều trị kết thúc. Nhưng vẫn có khả năng có một số ảnh hưởng kéo dài của hóa trị sẽ phát triển thậm chí sau khi điều trị một vài năm, phụ thuộc vào vào loại hóa trị bạn đã sử dụng.
Những ảnh hưởng lâu dài này bao gồm các tổn thương lên: tim, thận, phổi, các dây thần kinh, các cơ quan sinh sản.
Cũng có khả năng bạn sẽ mắc một bệnh ung thư thứ phát khác sau khi điều trị hóa trị. Bởi vậy, trước khi tiến hành hóa trị bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các nguy cơ có thể xảy ra và những triệu chứng nào bạn nên chú ý.
Chuẩn bị trước hóa trị
Vì hóa trị là một phương pháp điều trị dành cho những bệnh nặng nên việc lên kế hoạch trước khi tiến hành hóa trị là rất quan trọng.
Trước khi tiến hành hóa trị, bạn sẽ phải tiến hành rất nhiều xét nghiệm để biết rằng liệu bạn có đủ khỏe mạnh để tiến hành hóa trị không.
Các xét nghiệm này bao gồm kiểm tra tim và xét nghiệm máu để xác định chức năng gan của bạn. Những loại xét nghiệm này còn có thể giúp bác sĩ xác định được loại hóa trị nào nên dùng với bạn.
Bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên khám răng trước khi bắt đầu hóa trị. Và bởi vì hóa trị ảnh hưởng lên khả năng tự làm lành vết thương của cơ thể, nên bất cứ tình trạng nhiễm trùng nào ở răng hoặc lợi cũng có thể sẽ lan đến khắp cơ thể.
Một số công việc cần chuẩn bị
Bạn nên cân nhắc đến việc chuẩn bị những vấn đề sau trước khi tiến hành hóa trị
Giảm tải công việc: Đa số mọi người có thể làm việc bình thường trong suốt quá trình điều trị hóa trị, nhưng bạn có thể sẽ muốn khối lượng công việc của mình được giảm đi cho đến khi bạn biết được loại tác dụng không mong muốn nào sẽ xảy đến với mình.
Chuẩn bị nhà cửa: Giặt quần áo hoặc làm bất cứ công việc nặng nào trước khi hóa trị bởi sau khi tiến hành hóa trị lần đầu tiên, bạn có thể sẽ rất yếu và không thể làm được những công việc này.
Chuẩn bị sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè: nhờ một người bạn hoặc người thân trong gia đình giúp bạn làm việc nhà, chăm sóc cho thú cưng của bạn hoặc chăm sóc con cho bạn.
Lường trước các tác dụng không mong muốn: Hỏi bác sĩ về loại tác dụng không mong muốn nào bạn sẽ phải trải qua và lên kế hoạch đối phó với nó.
Nếu bạn có khả năng sẽ bị vô sinh sau khi hóa trị và bạn lại đang muốn có con, bạn có thể sẽ cần phải dự trữ và đông lạnh tinh trùng, trứng hoặc đông lạnh phôi đã thụ tinh. Bạn có thể sẽ phải chuẩn bị mũ, khăn đội đầu hoặc tóc giả nếu bạn có khả năng bị rụng tóc.
Bắt đầu trị liệu hoặc tham gia nhóm hỗ trợ: Nói chuyện với những người khác, không phải là thành viên gia đình và bạn bè về những việc bạn sắp phải trải qua có thể giúp bạn giữ được thái độ lạc quan.
Họ cũng có thể giúp bạn bình tĩnh hơn trước những nỗi lo sợ về quá trình điều trị của bạn.
Tiến hành hóa trị
Hóa trị có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Hóa trị có thể được đưa vào dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm trực tiếp vào ven thông qua tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Ngoài 2 cách đó, hóa trị cũng có thể được đưa vào cơ thể theo nhiều cách khác nhau:
- Hóa trị sẽ được đưa trực tiếp vào khối u, phụ thuộc vào vị trí của khối u. Nếu bạn vừa trải qua việc phẫu thuật cắt bỏ khối u, bác sĩ có thể cấy các đĩa thuốc chậm tan vào cơ thể bạn.
- Một số loại ung thư da có thể được điều trị bằng kem bôi hóa trị
- Hóa trị có thể được đưa vào một số phần cụ thể của cơ thể thông qua các phương pháp điều trị cục bộ, ví dụ như được đưa trực tiếp vào bụng, ngực, hệ thần kinh trung ương hoặc vào bàng quang thông qua niệu quản.
- Một số loại hóa trị có thể được sử dụng dưới dạng viên bằng đường uống
- Các loại thuốc hóa trị dạng lỏng có thể được đưa vào bằng việc tiêm.
Video: Chế thuốc ung thư giả từ than tre, đối mặt với bản án nào?
Địa điểm tiến hành hóa trị phụ thuộc vào cách đưa thuốc hóa trị vào cơ thể. Ví dụ, nếu bạn dùng thuốc hóa trị dưới dạng kem bôi hoặc viên uống, bạn có thể tự điều trị ở nhà. Các phương pháp khác thường được tiến hành tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.
Lịch tiến hành hóa trị của bạn có thể sẽ được điều chỉnh và thay đổi nếu cơ thể bạn không đáp ứng tốt hoặc cũng có thể tăng lên/giảm đi phụ thuộc vào việc các tế bào ung thư đáp ứng như thế nào với phương pháp này.
Sau khi hóa trị
Bác sĩ điều trị sẽ thường xuyên kiểm soát ảnh hưởng của phương pháp điều trị này, thông qua các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh phương pháp điều trị của bạn bất cứ lúc nào.
Quá trình điều trị của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn thường xuyên chia sẻ với bác sĩ về việc hóa trị ảnh hưởng như thế nào đến bạn. Bạn nên nói với bác sĩ về bất cứ tác dụng không mong muốn nào liên quan đến việc điều trị để các bác sĩ có thể đưa ra các điều chỉnh, nếu cần thiết.