Thủ tướng vừa phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money. Dịch vụ này sẽ có hiệu lực từ 9/3 và thời gian thí điểm kéo dài 2 năm.
Bản chất Mobile Money chính là e-money (Electronic Money: tiền điện tử) theo định nghĩa của các nước. Với Việt Nam, Mobile Money là một loại ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Dịch vụ Mobile Money sẽ cho phép người dùng viễn thông sử dụng tài khoản viễn thông di động để thanh toán và chuyển các khoản có giá trị nhỏ.
Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm. (Ảnh minh họa)
Trên thế giới, hiện có 92 quốc gia đang triển khai dịch vụ Mobile Money với khoảng 844 triệu tài khoản. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%.
Là một hình thức tương tự ví điện tử, nhưng Mobile Money là cách làm tốt hơn ví điện tử khi giúp người dân không có tài khoản ngân hàng, có thể mở các tài khoản nhỏ di động để từ đó thanh toán thay thế tiền mặt. Đặc biệt, triển khai Mobile Money sẽ hữu ích ở các vùng sâu vùng xa, những vùng mà người dân không có tài khoản, không có dịch vụ ngân hàng.
Về phân khúc khách hàng, Mobile Money sẽ chủ yếu tập trung vào những người đã có số điện thoại, đặc biệt là những người có điện thoại smartphone, đối tượng chi tiêu của Mobile Money rất nhỏ lẻ và ở khắp mọi nơi kể cả ở nông thôn, thành thị, miền núi xa xôi hẻo lánh…
Việc sử dụng Mobile Money giúp quá trình thanh toán, mua bán trở nên dễ dàng và đơn giản hơn. Người dân có thể thanh toán, mua sắm mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động được kết nối internet mà không cần tiền mặt, quẹt thẻ hay chuyển tiền.
Mobile Money giúp quá trình thanh toán dễ dàng. (Ảnh minh họa)
Việc triển khai Mobile Money cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Dịch vụ này có độ phủ cao, thanh toán nhanh chóng đến 100% người dân, thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy dịch vụ trực tuyến công, các doanh nghiệp fintech...Đáng chú ý, tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, Mobile Money cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao... Theo các chuyên gia kinh tế, giao dịch thanh toán qua mạng dễ thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ tài chính.
Theo Quyết định vừa ban hành, Chính phủ quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile – Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Dịch vụ Mobile Money cũng được kỳ vọng sẽ tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.