Ngoài những địa điểm quen thuộc khi tới Sapa như: Nhà thờ cổ Sapa, Đèo Ô Quy Hồ, Vườn hoa hồng, Núi Hàm rồng, Thung lũng Mường Hoa, khi tới Sapa, bạn trẻ không nên bỏ qua những địa điểm chất và lạ dưới đây.
Check in với các loài hoa
Sapa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới, không khí mát mẻ quanh năm. Mỗi một khoảng thời gian Sapa lại mang một vẻ đẹp, một màu sắc khác nhau. Đang ở trong thời điểm xuân – hè, tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, bạn sẽ được đắm chìm trong vương quốc của nhiều loài hoa.
Hoa nhiều vô kể, hoa ở ngay trước hiên nhà, bên bờ rào, trên các nẻo đường. Khắp núi rừng Sapa say sưa với sắc hoa mai, hoa lê trắng muốt, hoa lan vàng, làn trắng, lan tím lung linh, hoa đào đỏ thắm, hoa cải vàng rực, hoa hồng cổ thơm ngát…
Nếu đi du lịch Sapa mùa hè, bạn sẽ được trải nghiệm thời tiết mát mẻ, nhiệt độ không khí trung bình năm của Sapa là 15°C với đủ 4 mùa trong ngày.
Ngoài tới Núi Hàm Rồng nằm ngay thị trấn Sapa có nhiều loại hoa và vườn cây ăn trái và hàng ngàn cây phong lan, một điểm đến khác hấp dẫn cho những du khách trẻ ưa khám phá là những cánh đồng hoa actiso lung linh sắc tím, trải dài bất tận. Đặc biệt, tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là mùa actiso ở Sapa đua nở.
Các vị khách trung niên cũng rất thích thú chụp ảnh với các cánh đồng hoa actiso.
Actiso được người Pháp đưa vào trồng tại núi rừng Sapa hàng trăm năm trước nhưng Actiso chỉ thực sự được phát triển mạnh tại địa danh du lịch nổi tiếng này trong khoảng gần 20 năm nay.
Actiso được làm thành trà, cao giúp mát gan, giải độc, rất thích hợp mua về làm quà đặc sản Sapa sạch. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần lưu ý rằng, không phải cứ trà, cao Actiso trồng ở Sapa đều là sạch.
Hiện nay, chỉ tại các xã Tả Phìn, Sa Pả, cây Actiso mới được trồng trọt, thu hái, sản xuất theo quy trình GACP-WHO (Chứng nhận Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) và được đồng hành bởi dự án BioTrade do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Cây Actiso tại hai xã này được đưa về công ty Traphaco Sapa sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn GACP-WHO thành các sản phẩm như trà, cao. Đây cũng là cây dược liệu đầu tiên tại miền bắc được công nhận đạt chuẩn quốc tế GACP.
Tắm lá người Dao
Xã Tả Phìn được coi là địa danh tắm lá thuốc Dao đỏ “thật” nhất, “chất” nhất và thú vị nhất ở Sapa. Vì ở đây có tới hơn 90% người Dao đỏ sinh sống. Lá tắm là lá do các hộ dân tự đi rừng lấy về và trồng, không phải lá nhập khẩu.
Chỉ với kinh phí khoảng 100.000 đồng, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác khoan khoái thư giãn trong bồn tắm gỗ đầy ắp nước thơm ngào ngạt mùi núi rừng.
Cảm giác tê rát xuất hiện trong vài phút đầu do nhiệt độ của nước. Tiếp đó, mùi lá thuốc xông lên mũi, lên mắt, lên miệng khiến chúng ta có cảm giác rơi vào trạng thái bồng bềnh và êm ái.
Mồ hôi rịn trên trán, da đỏ hồng, các cơ bắp được nới lỏng. Sảng khoái, thư thái và nhẹ bỗng là cảm giác khi bạn bước ra khỏi thùng tắm.
Bài tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn có khá nhiều công dụng. Dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt; hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi đẻ, người sau khi ốm.
Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục. Tuỳ từng người, nếu ngâm thuốc tắm quá lâu có thể sẽ bị say thuốc và buồn ngủ. Trong trường hợp này chỉ cần nằm nghỉ hoặc ngủ một lúc sẽ hết.
Tu viện Tả Phìn
Trên đường từ bản du lịch Tả Phìn về thị trấn Sapa, Lào Cai, du khách cũng không nên bỏ qua cơ hội đến thăm di tích Tu viện Tả Phìn.
Hơn nửa thế kỷ qua, nơi đây bị bỏ hoang nhưng lại cuốn hút rất đông du khách dừng chân khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang đậm nét kiến trúc thời Pháp thuộc đằng sau những lớp bụi thời gian phong kín.
Ăn thắng cố
Đặt chân lên Sapa, du khách sẽ choáng ngợp trước vô số các món ăn độc đáo của bà con dân tộc.
Món thắng cố truyền thống được chế biến từ các bộ phận của ngựa kèm 12 thứ gia vị truyền thống thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Dù món ăn này rất ngon nhưng không phải ai cũng có thể ăn.
Nhiều thực khách không quen với cách chế biến cũng như cách ăn thắng cố của đồng bào dân tộc tại các phiên chợ vẫn có thể thưởng thức món ăn độc đáo này tại các nhà hàng.
Ở các nhà hàng, món thắng cố được chế biến như những nồi lẩu, thịt và nội tạng ngựa cũng được chế biến "vệ sinh hơn", hợp với khẩu vị và cách thưởng thức của người Kinh tại các nhà hàng có lẩu thắng cố ở ngay chợ Sapa.
Nội tạng ngựa được chế biến sạch có mùi thơm, ăn rất giòn, thịt ngựa bùi bùi, ngòn ngọt, ăn kèm với các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng, cải lẩu.
Những loại rau này được chấm với loại nước chấm đặc biệt làm từ ớt Mường Khương nổi tiếng cay, nồng, giúp thực khách xua tan đi cảm giác rét mướt của núi rừng vùng cao.
Ăn thắng cố phải nhâm nhi với rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa của núi rừng.
Trong tiết trời se lạnh của Sa Pa, du khách được ngồi trong một không gian với kiến trúc mộc mạc, dân dã, bên chảo thắng cố thơm nồng vừa nhâm nhi ly rượu táo ngô đậm đà với hương vị đặc trưng.
Ăn đồ nướng
Khi tới Sapa, không nên bỏ qua việc thưởng thức đồ nướng bày bán ở các khu chợ hay ở ngay các chân đèo, điểm du lịch. Từ trứng, thịt, khoai, thứ gì cũng nướng nóng hổi. Thịt xiên nướng có vị ngọt đặt trưng của thịt lợn cắp nách chứ không như thịt xiên bạn vẫn hay ăn làm từ lợn nuôi dưới xuôi.
Cơm lam nấu từ gạo nếp nương rất dẻo, ngọt, nướng đựng trong ống nứa non thon nhỏ dài dài như tấm mía ở chợ đã nướng sém lớp vỏ ngoài rất mềm.