Khi lần đầu đến với thành phố Melbourne hoa lệ, tôi bị cuốn hút bởi những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức đẳng cấp quốc tế hay những nhà hàng, tiệm bánh sang trọng.
Nhưng vấn đề của đa số các du học sinh như tôi là chi tiêu sao cho hợp lý với túi tiền có hạn. Dù gì thì Melbourne, Australia vẫn thường xuyên góp mặt trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Thực phẩm
Đầu tiên không thể không kể đến 3 khu chợ người Việt nổi tiếng nhất ở Melbourne. Rẻ nhất là Footscray Market phía Tây Bắc và Springvale Shopping Centre phía Đông Nam thành phố Melbourne.
Vì 2 khu này cách xa trung tâm Melbourne nên giá các loại hàng hóa cũng như phí sinh hoạt nói chung thấp hơn các nơi khác. Thậm chí thi thoảng bạn còn có thể mặc cả nếu mua nhiều hoặc được giảm giá vào cuối giờ chiều. Hơn nữa, những ai nhớ nhà có thể tìm thấy rất nhiều nguyên vật liệu, món ăn truyền thống Việt Nam hay những khu phố nói toàn Tiếng Việt ở đây.
Tuy vậy, vì sống xa 2 khu này nên tôi thường chỉ đến Chợ Bến Thành hay Minh Phat Supermarket ở khu North Richmond, gần trung tâm thành phố. Khu này có giá cao hơn một chút nhưng thuận tiện cho các du học sinh sống xung quanh đại học Melbourne, RMIT, Swinburne, .v.v.
Một gian hàng ở Chợ Bến Thành - North Richmond
Gần khu tôi sống ở Camberwell còn có Box Hill Central - một trong những trung tâm thương mại lớn của Melbourne với đa dạng thực phẩm, đồ dùng Châu Á, bao gồm cả đồ Việt. Nhiều loại hoa quả, rau thơm và nội tạng gia súc, gia cầm ở đây vốn không có bán ở các siêu thị thông thường mà giá lại hợp lý.
Lần nào đến đây tôi cũng vác về được 2 túi to rau và hoa quả rẻ hơn ở các siêu thị bán lẻ khác nhiều. Nhưng khi mua bạn phải luôn để ý chọn đồ tươi vì họ có thể xếp lẫn hàng cũ và héo.
Dù thế các khu chợ như vậy không có nhiều tại Melbourne. Vì không có xe riêng để chở đồ nặng khi đi xa, nên tôi thường xuyên chọn Coles hoặc Woolworths gần nhà để mua thực phẩm. Đây là hai hệ thống siêu thị lớn nhất của Australia mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu quanh thành phố.
Những người bạn cùng nhà nhà mách tôi để ý phía đầu và cuối mỗi dãy hàng trong các siêu thị này, vì họ luôn xếp sản phẩm sale tốt nhất hàng ngày ở 2 đầu. Đặc biệt đồ tươi sống còn được giảm giá cuối ngày (khoảng sau 19h) khi cận hạn.
Mà cận hạn theo tiêu chuẩn Australia nghĩa là có thể để ngăn đông cả tháng để dùng vẫn tươi ngon, an toàn. Chỉ cần cẩn thận để ý hạn dùng, bạn có thể dễ dàng tiết kiệm kha khá tiền sinh hoạt mỗi tháng mà vẫn có bữa ăn ngon đấy.
Siêu thị Woolworth - Melbourne, Australia.
Thời trang, phụ kiện
Mặc dù kiểu dáng và phong cách thời trang của các cửa hàng quần áo ở Melbourne không mấy đa dạng như ở các nước châu Á, nhưng giá cả thì khá hợp lý so với các loại mặt hàng khác ở Australia với giá từ 10 AUD/chiếc trở lên.
Mỗi năm các nhãn hàng lớn nhỏ đều có một số đợt giảm giá cố định như: Boxing Day, Mother’s Day, Singles Day, Summer sales, Winter sales,… . Nếu lượn quanh trục đường Swanston, Clarendon, Chapel hay các trung tâm thương mại Melbourne Central, Chadstone những dịp này, các bạn sẽ thấy ngập tràn những dòng chữ đỏ chói SALE 30%-80%.
Ngoài ra tôi còn thường đến 1 địa điểm đặc biệt khác nơi bán nhiều quần áo second-hand độc đáo mà giá rẻ là phiên chợ bình dân Camberwell Sunday Market, diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Đây là nơi chị chủ nhà người Hàn của tôi mở một gian hàng quần áo Hàn Quốc nhỏ mỗi cuối tuần. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều người châu Á bán cả quần áo mới lẫn cũ ở đây với giá rẻ hơn ngoài cửa hiệu nhiều.
Chợ phiên Camberwell Sunday Market.
Tương tự cũng có một số chợ phiên cuối tuần khác ở Melbourne (thường chỉ mở vào sáng chủ nhật) như: Kensington Market, Kingsbury Drive Community Market, Bentleigh Sunday Market,...
Mỹ phẩm và thực phẩm chức năng
Tôi thường chờ đến đợt giảm giá hàng năm của hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất là Chemist Warehouse để sắm thỏa thích các loại mỹ phẩm hay vitamin.
Cứ đều đặn vào giữa và cuối năm, các cửa hàng dược phẩm thường mở đợt sale đa số các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ 50% - 60%, nước hoa giảm đến 80%.
Có điều bạn hãy lưu ý chọn sản phẩm có hạn dùng xa mà họ thường xếp ở góc trong cùng kệ hàng, vì hàng cũ và mới có thể được để lẫn cùng nhau.
Đồ dùng, dịch vụ khác
Nếu bạn cần tìm đồ gia dụng, nội thất giá sinh viên, có thể đến hệ thống siêu thị Kmart rộng bát ngát để tha hồ lựa chọn từ cốc nước, chăn ga đến cây cảnh. Còn nếu bạn cần mua văn phòng phẩm hay thiết bị máy tính, có thể tìm kiếm một trong chuỗi các cửa hàng Officeworks quanh khu vực mình sống.
Nếu thi thoảng cần làm đẹp, ở khu ngoại ô Springvale bạn sẽ tìm được nhiều cửa hàng làm đầu và làm móng của người Việt với dịch vụ chất lượng mà giá lại hợp lý. Còn khi muốn sắm đồ lưu niệm nho nhỏ mang về Việt Nam, tôi chắc chắn chợ Queen Victoria Market ở trung tâm thành phố sẽ không làm bạn thất vọng.
Nhìn chung, với các món đồ thời trang, công nghệ, dược phẩm hay đồ dùng đắt tiền thì chờ đến các đợt sale lớn của Australia để hưởng chiết khấu sẽ là lựa chọn thông minh hơn cả. Nhờ vậy, tôi chỉ tiêu tốn 1000 AUD tổng chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng tại Melbourne (không tính đi du lịch, khám chữa bệnh, các chi phí phát sinh).
Thời gian các đợt sale lớn hàng năm ở Australia
Boxing Day: trong vòng 5 tuần sau Giáng Sinh
Summer Sales: từ cuối tháng 1 đến tháng 2
Mother’s Day: 1 tuần trước ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5
End of Financial Year + Winter sales: từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7
Singles’ Day: ngày 11/11
Click Frenzy: khoảng trung tuần tháng 11, chỉ dành cho mua sắm online
Black Friday: ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11
Cyber Monday: ngày thứ 2 cuối cùng của tháng 11, chỉ dành cho mua sắm online