Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những cuộc đấu loa 'sập tường hàng xóm' ngày giáp Tết

(VTC News) -

Gần Tết, bốn phía xung quanh nhà tôi ở quê, nhà nào cũng bật nhạc hết cỡ, như thể đấu loa xem nhà ai kêu to hơn, đám trẻ khoe giàu thường mang đồ trong nhà ra đấu.

Một sớm mở bung cửa, chợt thấy Tết về qua những thanh âm hàng xóm. Đó là thứ tạp nhạc kiểu mỗi nhà một thể loại. 

Thằng cu béo nhà bên phải, quê Thái Bình, đi làm thì chẳng sao, hễ cứ về tới nhà là “repeat one” (mở đi mở lại một bài) “Thái Bình mồ hôi rơi”. Nghe chỉ muốn mắng nhưng chưa bao giờ kịp thì vợ nó đã gào lên rồi: "Ối giời ơi là giời. Suốt ngày cái thằng Sơn Tường em ti pi".

Ông bác già nhà bên trái ghiền Quang Lê, hết “Hoa cài mái tóc” là “Về đâu mái tóc người thương”, “Hương tóc mạ non”, rồi… quay lại từ đầu vì chưa cập nhật được bài mới nào Quang Lê hát về tóc.

Đám trẻ ở nhà trọ đằng trước, đứa bật nhạc Tây, đứa bật nhạc đỏ...

Tất nhiên, nhà nào nhà ấy chỉ nghe thấy nhạc của mình. Riêng thằng thò đầu ra ngoài như tôi, nhạc từ tứ bề rủ nhau chạy vào hai màng nhĩ, biến thành thứ tạp nhạc như cãi lộn. 

Vậy nhưng, thứ tạp nhạc đó làm tôi nhớ tới Tết!

Thuở trước, những ngày gần Tết hay trong Tết, trên “bốn vùng chiến thuật” nhà tôi ở quê, nhà nào cũng bật nhạc hết cỡ, như thể đấu loa xem nhà ai kêu to hơn.

Anh Tuân bên vách trái nhà tôi có hai dàn loa cây, tiếng bass đập thình thình, rung cả tường. Xưa đám trẻ quê tôi khoe nhà giàu thường mang đồ vật trong nhà ra đấu. Năm lớp 9, tôi đấu thắng anh Tuân vì trong nhà có cái đầu CD và đôi loa cây cả làng chưa ai có. Năm tôi học lớp 10, anh trai anh Tuân từ miền Nam về, sắm đầu DVD và dàn âm thanh để hát karaoke. Từ đó, tôi luôn vặn nhỏ volumen nhà mình nếu không muốn anh Tuân bật loa cho đập… đổ tường.

Chiếc đài cassette hiệu Sharp "thần thánh" một thời. (Ảnh: Tiengxua)

Nhà ông Trưởng đằng trước trung thành với cái đài cassette hiệu Sharp màu xám, mua từ năm tôi học lớp 5. Ông toàn để í éo tuồng chèo, dân ca và nhạc cổ truyền, ấy thế mà Tết đến xuân về cũng chuyển sang cho nhai băng liên khúc Tuấn Vũ. Nhai như nhai trầu tới cái đoạn “Em ơi, em hời, xuân về nào có đâu xa…” là thể nào Tuấn Vũ cũng méo tiếng, rồi eo…éo… vài câu là tắt lịm. Lúc ấy, chỉ còn tiếng ông Trưởng từ trên nhà ới xuống bếp, sai thằng con mang cái đũa lên gỡ băng. Đài cassette loa yếu, ông Trưởng biết thân biết phận thường đóng cửa nghe riêng. Hôm nào hăng máu lắm, thấy có gió Nam thổi từ trước ra sau, ông mới đẩy cửa sổ cho âm thoát ra ngoài.

Nhà lão Quý phía sau hồi, đi làm ăn Lạng Sơn, Tết về có chồng đĩa, cho quay nổ cả mắt thần. Đã thế lão còn dùng con loa thùng Nammon vặn hết công suất như thể phen này “bố mày nhất là bét”, tung màng loa cũng chơi. Tiếng con Nammon to thì to đấy nhưng rè thì đừng hỏi. Ông nào mắc bệnh tim, gặp lúc đĩa nhà lão Quý bị vấp, coi chừng chết oan.

Hết loa láng giềng thì đến loa làng. Nó là con loa nén của hợp tác xã. Con này ở tít trên cột điện, mặc thiên hạ mở nhạc kiểu gì, cứ đến giờ là nó tua một tràng thông báo cấm đốt pháo, gieo mạ nền, đổ nước Đông Xuân… cứ gọi là dẹp hết Tuấn Vũ, Đan Trường…

Suốt một thời ấu thơ, thứ tạp nhạc ấy vẫn ám ảnh tôi. Tôi không ghét nó, không quên được nó, bởi khi nào nó cất lên, ấy là lúc Tết đang về!

Đôi loa cây anh Tuân để cho tò vò làm tổ từ ngày anh mải chạy đầu ngang, lái máy xúc, nuôi bốn cái miệng ăn. Con Nammon nhà lão Quý cũng bỏ xó khi thằng lớn ra ở riêng, thằng thứ nhì ở Hà Nội, thằng thứ ba đi Nhật. Lão thôi không đi Lạng Sơn mà ở nhà đi làm bảo vệ, có hôm làm ca về muộn, nửa đêm ngang ngõ, tiếng đài nhỏ vẫn phát ra từ trong túi áo.

Cái đài cassette hiệu Sharp nhà ông Trưởng cũng đã ngưng tiếng từ rất lâu. Một dạo ông mang đi sửa nhưng không còn phụ kiện để thay. Năm ngoái giỗ đầu của ông, người nhà hóa mã cho ông một chiếc đài cassette giống y hệt.

Cũng năm ngoái, tôi về quê ăn Tết, lắng tai giữa hư không, bỗng trong đầu có ai hỏi câu hồi khứ: Tạp nhạc đâu rồi? Tết về hay chưa?

Mời độc giả tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”

Tết Nguyên đán gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tình cảm của mỗi người Việt Nam, là sự kiện mà mỗi chúng ta đều hướng về bằng việc nỗ lực tạo ra, dành ra những giá trị tốt đẹp nhất. Tết gắn với sum họp gia đình, với yêu thương chia sẻ, với những ước nguyện cho tương lai. Vì vậy, khi thời gian trôi qua, mỗi người Việt đều rưng rưng hoài niệm về Tết với bao thương nhớ.

Dù bạn đang ở tuổi 20 phơi phới, tuổi 30-40 rực rỡ, tuổi 50 “tri thiên mệnh” hay đã an nhiên với tuổi 70-80 thì đều có những ký ức về Tết Nguyên đán mà bạn thường dùng từ “hồi đó”, “ngày xưa” khi kể lại, những hoài niệm khiến mỗi chúng ta được trở về với sự thuần khiết, trong trẻo như trẻ thơ.

Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những kỷ niệm, hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: tamsu@vtc.gov.vn.

Hà Thành

Tin mới