Tháng trước, Beijing Spirit - con tàu chở theo một triệu thùng dầu Nga khởi hành từ Murmansk (Nga) với đích đến là Philadelphia (Mỹ). Nhưng khi đang ở giữa Đại Tây Dương, nó đột ngột quay đầu.
Bên mua dường như đã hủy đơn hàng của Beijing Spirit. Nhà cung cấp dữ liệu hàng hải toàn cầu MarineTraffic cho biết con tàu Nga đã thay thế điểm đến từ "Philadelphia" sang "For Orders", tức là số dầu trên tàu đang được chào bán.
Beijing Spirit sau đó quay trở lại châu Âu trước khi đi vòng quanh Địa Trung Hải trong vài ngày. John van Schaik - chuyên gia ngành dầu mỏ tại công ty thông tin năng lượng Energy Intelligence nhận định tàu chở dầu Nga có vẻ đang tìm kiếm một bên mua "thân thiện hơn".
Hải trình quanh co của Beijing Spirit phần nào phản ánh sự hỗn loạn đang diễn ra trong hoạt động buôn bán dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Nga sau khi Mỹ, Canada, Anh và Australia cấm nhập khẩu dầu từ Moskva.
Đi bán dầu nhưng không rõ điểm đến
Theo thống kê, khoảng 20 tàu, chở theo 8,5 triệu thùng dầu đã rời các cảng của Nga kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tình trạng của các tàu dầu này hoặc là “For Orders”, hoặc là “Drifting" - chưa rõ điểm đến.
Hành trình quanh co của Beijing Spirit. (Ảnh: MarineTraffic)
Theo ông Schaik, việc các tàu chào bán dầu khi di chuyển giữa đại dương là điều hiếm gặp và nó có thể là hệ quả từ lệnh cấm nhập dầu từ Mỹ và đồng minh.
Thông thường, điểm đến của các tàu chở dầu không phải là thông tin dễ cập nhật. Các thương lái có thể âm thầm bán các thùng dầu của họ cho các thương nhân ham dầu giá rẻ.
"Một khi bạn đặt các thùng dầu thô vào các bồn chứa trên đất liền, nguồn gốc của nó sẽ trở nên không rõ ràng. Bạn để lẫn nó với các thùng dầu thô khác, bán nó với tên gọi khác. Sẽ chẳng ai biết nguồn gốc của nó tới từ Nga", ông Schaik phân tích.
Trong khi Beijing Spirit phải quay đầu, ít nhất 7 tàu chở dầu khác vẫn đang hướng về Mỹ để dỡ hàng trước khi lệnh cấm dầu Nga của Mỹ có hiệu lực đầy đủ từ 21/4.
Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới. Bất chấp chỉ trích từ phương Tây về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, xuất khẩu dầu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu của Nga vẫn không có dấu hiệu bị sụt giảm đáng kể.
Một số quốc gia như Ấn Độ, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhập khẩu dầu Nga kể từ khi Moskva đưa quân vào Ukraine, một phần là do chiết khấu cao.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn đang tranh cãi về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Một số quốc gia trong khối lo ngại một lệnh trừng phạt có thể đẩy các nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng các thùng dầu Nga vẫn được thu mua đồng nghĩa Moskva vẫn đang kiếm được thêm ngoại tệ để tài trợ cho cuộc chiến hiện tại.
Khoảng trống châu Âu để lại?
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo xuất khẩu dầu thô Nga sẽ giảm mạnh vào tháng 4 khi các lệnh trừng phạt có hiệu quả và có thêm nhiều bên mua né dầu Nga. Diễn biến đó có thể khiến thế giới mất đi nguồn cung 3 triệu thùng dầu/ngày.
Nhưng các thống kê hiện tại lại cho thấy bức tranh khác biệt. Các lịch trình bốc hàng mà Energy Intelligence thu được cho thấy các cảng lớn của Nga có kế hoạch xuất khẩu gần 2,9 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng 4, tăng đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021.
Tàu chở dầu Minerva Virgo cập cảng New York. (Ảnh: Reuters)
Phần lớn các đơn hàng tới từ châu Á.
Đặc biệt, lượng dầu mà Ấn Độ thu mua từ Nga đã tăng 700% trong 5 tuần kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
"Tôi đang rất quan tâm tới việc châu Á sẽ lấp đầy bao nhiêu khoảng trống mà châu Âu để lại trong hoạt động thu mua dầu Nga", Reid Anson, chuyên gia kinh tế tập đoàn phân tích dữ liệu hàng hóa Kpler cho hay.
Không chỉ lo vi phạm lệnh trừng phạt, áp lực từ dư luận cũng là một phần lý do khiến một số nước phương Tây chuyển hướng khỏi dầu Nga.
Khi Minerva Virgo, con tàu gắn cờ Hy Lạp chở 50,000 tấn dầu Nga cập cảng New York tuần trước, một nhóm bảo vệ môi trường tổ chức biểu tình ở bến cảng, giơ cao các tấm biểu ngữ với nội dung “Chiến tranh nhiên liệu dầu mỏ”.
Tại Anh, các công nhân làm việc tại cảng Birkenhead từ chối dỡ một tàu hàng gắn cờ Đức. Một lãnh đạo công đoàn địa phương nói với Sky News rằng “trong mọi trường hợp, công nhân sẽ không bốc dỡ dầu Nga".
Anh cấm các tàu chở dầu của Nga cập các cảng của nước này nhưng lệnh cấm không áp dụng cho các tàu từ các quốc gia chở dầu Nga.
Trong nỗ lực phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các công ty dầu mỏ lớn cho biết họ đang rút lui khỏi các khoản đầu tư ở Nga. Các công ty như BP, Shell, Total Energies và Exxon Mobil tuyên bố sẽ không ký hợp đồng thu mua dầu mới với Nga.
"Nỗ lực truy vết hải trình của những nhiên liệu hóa thạch này và vạch trần các công ty đang trục lợi từ chiến tranh cho thấy họ nhạy cảm thế nào trước sức ép từ dư luận", Mike Davies, giám đốc điều hành tổ chức hoạt động Global Witness cho hay.
Beijing Spirit được thuê bởi Teekay Corporation, công ty có trụ sở tại Bermuda. Các thùng dầu trên tàu được cung cấp bởi Lukoil, công ty năng lượng lớn thứ hai của Nga. Lukoil có hơn 200 chi nhánh tại Mỹ.
Sáng 2/4, dữ liệu theo dõi cho thấy Beijing Spirit đang cập cảng Santa Panagia nằm ở bờ đông đảo Sicily, Italia. Không rõ số phận của các thùng dầu trên con tàu này nhưng Beijing Spirit đã bỏ trạng thái "For Orders".
Teekay Corporation cho biết các thùng dầu được chất lên Beijing Spirit trước lệnh cấm của Nga nên không vi phạm các lệnh trừng phạt.