Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những công nghệ giúp tiết kiệm nhiên liệu trên ôtô

Các hãng sản xuất ôtô luôn tìm cách tạo ra một sản phẩm có hiệu suất tốt nhưng vẫn đảm bảo yếu tố tiết kiệm để di chuyển hàng ngày.

Với hơn 100 năm phát triển, ôtô ngày nay được ứng dụng hàng loạt công nghệ nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất.

Bên cạnh sức mạnh, mức tiêu thụ nhiên liệu là yếu tố luôn được người dùng xe phổ thông quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng, dầu ngày càng tăng cao.

Phun xăng điện tử

Không chỉ là tiêu chuẩn trên ôtô, phun xăng điện tử (FI) còn được trang bị trên hầu hết xe máy. Công nghệ này được ra đời vào cuối những năm 1980 do những yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn khí thải.

Khác với bộ chế hòa khí, hệ thống phun xăng điện tử tự động điều chỉnh lượng hỗn hợp nhiên liệu đi vào buồng đốt. Công nghệ này đảm bảo động cơ luôn hoạt động mượt mà, không xảy ra tình trạng thiếu hay dư nhiên liệu như việc dùng bộ chế hòa khí.

Hệ thống phun xăng điện tử hoạt động dựa trên các cảm biến về oxy, vị trí bướm ga, vị trí trục cam...Bộ điều khiển trung tâm dùng các thông số của cảm biến để đưa ra quyết định lượng nhiên liệu sẽ được phun vào buồng đốt.

Để phương tiện có hệ thống phun xăng điện tử được hoạt động bền bỉ, người dùng mỗi khi khởi động xe nên đợi các đèn tín hiệu trên bảng đồng hồ tắt rồi nổ máy xe. Khi đèn tín hiệu sáng lúc khởi động, bộ điều khiển trung tâm đang trong quá trình kiểm tra các cảm biến.

Van biến thiên

Van biến thiên không còn quá mới, và đã được áp dụng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước trên ôtô. Công nghệ này cũng dần phổ biến trên những mẫu xe máy cỡ nhỏ như Yamaha Exciter 155 hay NVX 155.

Về vật lý, một khối động cơ mạnh mẽ ở vòng tua cao sẽ bị yếu ở vòng tua thấp, và ngược lại. Van biến thiên được chế tạo để giải quyết vấn đề này và vẫn đảm bảo động cơ không tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu.

Động cơ thông thường có một mức để đóng/mở xu-pap ở tất cả dải vòng tua, tuy nhiên van biến thiên có ít nhất 2 mức với độ cao khác nhau. Tùy theo từng dải vòng tua được nhà sản xuất thiết lập, việc đóng/mở xu-pap sẽ được thực hiện sớm hoặc trễ hơn.

Công nghệ hybrid

Khối động cơ kết hợp giữa đốt trong truyền thống và điện được gọi là động cơ hybrid. So với 2 công nghệ kể trên, công nghệ hybrid có thể xem là mới nhất.

Những chiếc xe hybrid đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào khoảng năm 1997, tuy nhiên công nghệ lúc ấy chưa phát triển nên giá bán của những mẫu xe này không dễ tiếp cận. Động cơ hybrid có thể chia thành 3 loại thiết lập là song song, nối tiếp và kết hợp cả 2 loại trên.

Ưu điểm lớn nhất của xe được trang bị động cơ hybrid nằm ở khả năng tiết kiệm nhiên liệu nhờ việc hoạt động của motor điện thay cho động cơ xăng trong một vài tình huống sử dụng. Chẳng hạn Toyota Corolla Cross, động cơ xăng sẽ không hoạt động khi chạy ở tốc độ thấp và chỉ hoạt động khi người lái tăng tốc.

Đáng chú ý, động cơ hybrid còn có khả năng tái tạo lại năng lượng khi xe đổ dốc hoặc phanh. Điều này động cơ đốt trong truyền thống không thể làm được. Điểm trừ của xe dùng công nghệ hybrid đến từ giá bán cũng như chi phí bảo dưỡng đắt hơn xe truyền thống, điều này đến từ việc tích hợp thêm bộ pin dự trữ năng lượng cũng như motor điện.

Nguồn:

Tin mới