Bộ phận lấy gió trong và lấy gió ngoài
Đây là những chức năng của hệ thống điều hòa. Khi để ở chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa sẽ lấy trực tiếp luồng không khí tuần hoàn trong cabin nạp cho dàn lạnh hoặc dàn sưởi để thay đổi nhiệt độ.
Với chế độ lấy gió ngoài, hệ thống điều hòa sẽ lấy luồng không khí từ bên ngoài nạp cho dàn lạnh hoặc dàn sưởi.
Chế độ lấy gió trong và gió ngoài trên xe ô tô. (Ảnh minh họa).
Các xe hiện đại sẽ tự động lựa chọn chế độ lấy gió trong hoặc gió ngoài. Với xe ít tiền hoặc đời cũ, người lái phải chọn thủ công.
Về cơ bản, chế độ lấy gió ngoài sẽ tạo không khí tươi mát cho cabin, đồng thời đảm bảo có đủ lượng oxy cần thiết cho người ngồi trong. Tuy nhiên, nếu xe lưu thông qua khu vực khói bụi hay có mùi, chế độ lấy gió ngoài sẽ hút khói bụi và mùi vào cabin, gây khó chịu.
Ngoài ra, khi độ ẩm bên ngoài cao, lấy gió ngoài sẽ khiến hơi ẩm lọt vào cabin gây hại cho nội thất và hệ thống của xe. Trong khi đó, lấy gió trong giúp làm mát nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá lâu trong hành trình dài sẽ khiến lượng không khí trong cabin thiếu hụt (do CO2 tăng lên), gây ngột ngạt và mệt mỏi cho người bên trong.
Lấy gió trong chỉ nên chọn khi nhiệt độ trong cabin đã mát. Nếu nhiệt độ vẫn nóng, nó càng khiến luồng khí nóng lưu thông trong hệ thống, vừa làm xe ồn hơn, vừa khiến thời gian làm mát lâu hơn.
Khi lái xe trong điều kiện mưa gió, cửa sổ bám hơi nước gây mờ khó quan sát, bạn nên đóng cửa sổ, bật điều hòa ở chế độ nóng, bật quạt gió và chọn lấy gió ngoài. Đừng tắt điều hòa hoặc chỉ mở hé cửa sổ. Thao tác đó chỉ khiển kính lái bám nhiều hơi nước mà thôi.
Chốt khóa trẻ em
Để bảo vệ tối đa trẻ em, các hãng xe đều tích hợp chi tiết khóa trẻ em ở cửa phía sau. Một số tài xế cho rằng để khóa trẻ em cho cửa sau chỉ có thể điều chỉnh trên bảng điều khiển. Tuy nhiên, chức năng này cũng có thể được điều chỉnh cơ học.
Vị trí chốt trẻ em nằm ngay trên mặt trong hoặc thành dọc cánh cửa phía sau, thường được ký hiệu bằng hình trẻ em. Tài xế chỉ cần xoay khóa hoặc gạt cần nhỏ về vị trí khóa là chế độ khóa trẻ em kích hoạt, khi đó cửa không thể mở từ phía trong.
Gạt nước mưa kính trước và sau
Gạt nước kính chắn gió phía trước đơn giản, lái xe chỉ cần gạt bên phải trên vô lăng, gạt lên hoặc xuống, nhưng gạt nước phía sau là một vấn đề nan giải đối với những người mới lái xe.
Cũng trên cần đó, phía đầu cần có thể xoay tròn, bạn hãy xoay và nhìn qua gương chiếu hậu để biết mức độ hoạt động của gạt nước phía sau.
Gương chiếu hậu
Cặp gương chiếu hậu của xe được thiết kế với kích cỡ nhất định. Hầu hết người lái chỉnh gương để chừa một phần quan sát thân xe. Phần này lớn hay nhỏ tùy vào thói quen quan sát của từng người. Nhưng người có kinh nghiệm lái xe lâu năm lại không làm như vậy.
Điều chỉnh gương chiếu hậu đúng giúp lái xe an toàn hơn. (Ảnh minh họa).
Vì nếu bạn vẫn quan sát thấy thân xe trên gương chiếu hậu khi đầu đang ở vị trí thông thường trên ghế lái, khoảng trống điểm mù sẽ tăng lên.
Bạn nên chỉnh gương chiếu hậu không nhìn thấy thân xe, sao cho chỉ gần đưa đầu sang trái hoặc phải một chút (khi đánh lái), thân xe vẫn hiện ra là được. Và như vậy, khi đầu bạn ở vị trí thông thường, bạn vẫn quan sát được các xe sau trong điểm mù.
Phanh xe
Nhiều người có thói quen rà phanh từ xa và nghĩ rằng điều đó an toàn, nhưng chính thao tác đó ảnh hưởng tới nhiều xe phía sau.
Khi thấy bạn rà phanh, xe sau sẽ rà phanh, rồi xe sau nữa sẽ rà phanh để duy trì khoảng cách an toàn. Điều này khiến cả đoàn xe chậm lại một cách không cần thiết, là nguyên nhân gây tắc đường.
Nếu biết cách điều chỉnh tốc độ hợp lý trên đường, nhất là các đoạn ngã ba, ngã tư, hoặc ngã rẽ, bạn có thể giúp xe đằng sau hạn chế rà phanh, qua đó giúp giao thông di chuyển tốt hơn.
Đèn khẩn cấp
Nhiều lái xe còn khá mông lung về mục đích của đèn khẩn cấp. Có tình trạng bật đèn khẩn cấp vô tội vạ, khiến người tham gia giao thông hoang mang không rõ ý định của tài xế là gì.
Dễ thấy nhất là tình trạng bật đèn khẩn cấp khi đi thẳng qua ngã tư. Một số xe khách đường dài còn bật đèn khẩn cấp khi di chuyển trên đường dù xe không gặp bất cứ trục trặc nào.
Đèn khẩn cấp thực tế chỉ nên dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhằm thông báo cho các phương tiện xung quanh rằng xe đó đang trong tình trạng hỏng hóc, gặp vấn đề hoặc đang vận hành ở chế độ nguy hiểm.
Chẳng hạn, xe tải hoặc đầu kéo bật đèn khẩn cấp nhằm thông báo cho xe khác rằng họ đang di chuyển chậm hơn trên cao tốc, đang leo dốc hoặc xuống dốc khi chở hàng nặng.
Với xe thông thường, SUV, thậm chí cả limo được bật khi xe đỗ trên vỉa hè, làn đường khẩn cấp trên cao tốc, trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế.
Nếu xe bị nổ lốp trên đường hoặc động cơ trục trặc, hãy tấp xe vào ven đường và bật đèn khẩn cấp giúp xe phía sau nhận diện, giảm tốc và tránh từ xa.