"Hiến" khách sạn hạng sang làm khu cách ly
Đà Nẵng có ít nhất 3 khách sạn hạng sang được chính quyền dùng làm khu cách ly người về từ vùng dịch Covid-19 theo nguyện vọng của chính chủ nhân. Trả lời VTC News ngày 19/3, ông Phạm Xuân Thuỷ, chủ khách sạn 4 sao Danang Riverside, nơi đang được chuẩn bị để bàn giao cho chính quyền dùng làm khu cách ly, cho biết chính Công ty TNHH Vĩnh Thiện Đà Nẵng mà ông làm Tổng giám đốc gửi thư ngỏ cho UBND thành phố đề nghị việc này.
“UBND TP Đà Nẵng cơ bản thống nhất với đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi đã tạm dừng hoạt động kinh doanh để chuẩn bị bàn giao khách sạn cho thành phố trưng dụng làm khu cách ly du khách nước ngoài. Phòng ốc được chuẩn bị sẵn sàng để chờ đoàn của Sở Y tế đến kiểm tra, tiêu độc khử trùng, đón người cách ly”, quản lý khách sạn cho hay.
Khách sạn 4 sao Danang Riverside.
Còn khách sạn 3 sao Sam Grand trên đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) cũng được chủ nhân tự nguyện cho TP Đà Nẵng mượn để làm khu cách ly người nước ngoài. Chủ khách sạn cho biết, Sam Grand có 70 phòng và bắt đầu đón người cách ly từ ngày 14/3.
Khách sạn 3 sao Sam Grand.
Nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu), khách sạn Vanda - nơi 2 du khách người Anh nhiễm virus corona từng lưu trú - cũng trở thành nơi cách ly bắt buộc các nhân viên. Đà Nẵng đang vận động doanh nghiệp để tiếp tục mượn khách sạn Vanda làm khu cách ly trong thời gian tới. Thành phố dự báo số người thuộc diện cách ly sẽ tăng cao.
Theo nguồn tin của phóng viên, một số doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng muốn tự nguyện cho thành phố mượn khách sạn làm khu cách ly để phòng chống dịch bệnh.
Tiểu thương góp sức
Nhiều tiểu thương trên địa bàn Đà Nẵng cũng chung tay, góp sức cùng chính quyền và người dân thành phố trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chủ một nhà hàng chuyên về món ăn Hàn Quốc tự nguyện cung cấp bữa ăn miễn phí cho đoàn du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong thời gian chờ quay về nước. Nhiều cửa hàng thuốc Tây, tiệm tạp hóa phát khẩu trang miễn phí cho người dân, du khách trong thời điểm cả nước "cháy" mặt hàng này.
Tấm bảng "Không mua gạo để tích trữ. Việt Nam không thiếu gạo" của bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận - tiểu thương Đà Nẵng.
Mới đây, khi người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ, gây nên cảnh hỗn loạn, khan hiếm hàng, nhiều chủ đại lý gạo thay vì tranh thủ bán hàng với giá cao lại treo bảng khuyến cáo khách hàng không nên mua tích trữ.
“Không mua gạo để tích trữ, Việt Nam không thiếu gạo” là nội dung biển báo trước cửa hàng bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận (trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Tấm biển này được treo lên khi Đà Nẵng xuất hiện “cơn sốt” mua gạo phòng dịch bệnh.
“Ai cũng mua gạo sẽ khiến giá bị đẩy cao trong thời gian ngắn. Nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình là có hạn nên việc tích trữ quá nhiều sẽ khiến gạo bị cũ, ăn mất ngon, đó là lý do tôi treo bảng khuyến cáo mọi người”, bà Thuận nói.
Theo ghi nhận của VTC News, từ khi Đà Nẵng xuất hiện các ca nhiễm virus corona đầu tiên, nhiều người đi mua lượng lớn lương thực để tích trữ. Nhiều cửa hàng phải điều động thêm nhân viên, thậm chí nhờ lực lượng công an, trật tự đô thị để đảm bảo trật tự.
Đại lý gạo Hồng dán thông báo khuyến cáo khách hàng không nên tích trữ gạo.
Cũng treo bảng ngăn tích trữ, bà Bùi Thị Hồng (67 tuổi, chủ tiệm Gạo Hồng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) khiến cộng đồng mạng xôn xao với thông báo: “Gạo Hồng khuyến cáo: 1. Đất nước Việt Nam ta không thiếu gạo, do vậy mỗi gia đình nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày, không nên dự trữ quá nhiều dẫn đến việc lo lắng quá mức để ảnh hưởng đến tình hình chung. 2. Cam kết bán đúng giá, đảm bảo đủ số lượng cung cấp để góp phần ổn định thị trường. Trân trọng cảm ơn!”.
Bà Hồng chia sẻ: “Tôi hiểu được rằng Việt Nam mình là nước xuất khẩu gạo nên sẽ không bao giờ có chuyện thiếu gạo. Việc thiếu gạo tại một số thời điểm là do người dân mua quá nhiều, xe không chuyển kịp chứ nguồn cung gạo không bao giờ thiếu”.
Video: Công ty Vĩnh Thiện giao khách sạn 4 sao cho Đà Nẵng làm khu cách ly phòng chống dịch Covid-19