Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, với mỗi người dân là một "cột mốc sống" bảo vệ chủ quyền biên giới.
Khu dân cư biên giới xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). (Ảnh: VĐ)
Định cư ở biên giới
Sau 4 năm về sinh sống trong căn nhà liền kề ở khu dân cư biên giới xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), cuộc sống gia đình ông Dương Danh Sơn (SN 1962, quê Hương Khê, Hà Tĩnh) khấm khá hơn.
Ông Sơn bộc bạch, nhờ sự quan tâm của Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 và Quân khu 7 đối với những gia đình khó khăn, chưa có nhà ở, chưa việc làm ổn định mà nhà ông được định cư ở đây. Từ khi về ở tại khu dân cư biên giới này, ông Sơn đều đặn đi cạo mủ cao su, thời gian nhàn rỗi còn lại thì phụ vợ con bán tạp hóa, thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Cả gia đình được sống trong căn nhà khang trang hơn 70 m2, có điện nước, đường nhựa thẳng tắp nối từ khu dân cư đến trung tâm xã.
Cuộc sống ông Dương Danh Sơn khấm khá hơn nhờ nghề buôn bán nhỏ phục vụ cho người dân ở khu vực biên giới. (Ảnh: NQ)
Niềm vui của gia đình ông Sơn cũng là niềm vui của hơn 50 hộ dân với 177 nhân khẩu đang sinh sống tại khu dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp.
Ông Sơn nói: "Lễ tết, địa phương, Trung ương luôn tặng quà, chăm lo đời sống cho bà con nơi đây đầy đủ. Như vậy bà con bây giờ an tâm tư tưởng lo an cư lập nghiệp làm ăn. Bà con bây giờ lo đùm bọc lẫn nhau, quan trọng là gắn bó với cấc cấp chính quyền ở biên giới để giữ đất, bảo vệ biên cương".
Nhà văn hóa tại khu dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện biên giới Bù Đốp. (Ảnh: VĐ)
Hơn 400 căn nhà giúp dân nghèo biên giới
Hiện nay, việc xây dựng các khu dân cư ở khu vực biên giới huyện Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đã làm thay đổi diện mạo vùng biên.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Ruân - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, sau 4 năm triển khai chương trình, trên dọc tuyến biên giới tỉnh này đã xây dựng 150 căn nhà cho 150 hộ dân tại 11 điểm dân cư biên giới với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 34 tỷ đồng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đảm bảo kinh phí đối ứng hơn 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi hộ dân được bố trí từ 360 - 5.000 m2 đất ở kết hợp sản xuất…
"Riêng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước và các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết thực hiện các nội dung đã ký kết, đặc biệt là giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, giúp nhân dân phát triển kinh tế đồng thời xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh nhà ngày càng vững chắc và đi vào chiều sâu…", Đại tá Nguyễn Thành Ruân nói.
Các gia đình trẻ là công nhân cao su được bố trí vào ở trong những căn nhà liền kề biên giới. (Ảnh: NQ)
Từ năm 2019 đến nay, Quân khu 7 phối hợp với các địa phương xây dựng được 43 điểm với 411 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới tại Bình Phước, Tây Ninh và Long An. Tổng kinh phí xây dựng trên 127,4 tỷ đồng. Trong đó Bộ tư lệnh Quân khu 7 đầu tư hơn 33,9 tỷ đồng, phần còn lại là của các địa phương trên địa bàn quân khu và xã hội hóa.
Các điểm dân cư đều được chính quyền địa phương bố trí đất xây dựng nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng, lắp đặt điện, nước, internet và kết nối các công trình phúc lợi xã hội, dân sinh (như nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế…), đồng thời quan tâm tạo việc làm cho người dân. Người dân biên giới gắn bó, ổn định đời sống, đồng lòng góp phần bảo vệ biên cương tổ quốc.