Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những căn hộ 'ổ chuột' chờ sập ở Huế: Chủ tịch tỉnh đối thoại bàn cách xây lại

(VTC News) -

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đối thoại với dân chung cư Đống Đa bàn về việc cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà.

Chiều 23/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi đối thoại với toàn thể cư dân dãy nhà A, B, C khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế) để lắng nghe, giải đáp các cơ chế, chính sách liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà. 

Các dãy nhà trên được đưa vào khai thác, sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1979 - 1980. Đến nay các khu nhà hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, công năng lạc hậu, chất lượng thấp; các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống với tiện nghi ở thấp, không an toàn.

Khu chung cư Đống Đa sập xệ, xuống cấp và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. (Ảnh: NLĐ)

Việc cải tạo khu chung cư cũ đảm bảo cho người dân có nơi ở mới an toàn, khang trang và quyền lợi của người dân sau khi thực hiện cải tạo khu chung cư phải được đảm bảo là điều chính quyền địa phương rất quan tâm.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mong lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết các vướng mắc và đề xuất trong việc xây dựng, cải tạo lại khu chung cư cũ.

Từ đó hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an toàn tính mạng, nâng cao đời sống cho người dân và cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn sắp tới.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân đều nhất trí với chủ trương cải tạo, xây dựng mới các dãy nhà của tỉnh. Đặc biệt nhấn mạnh việc các lãnh đạo tỉnh thật sự quan tâm người dân khu chung cư Đống Đa; nhất là việc trực tiếp đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong quá trình thực hiện.

Ông Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đối thoại với nguời dân bàn phương án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Đống Đa. (Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế).

Người khu chung cư được mệnh danh là những căn hộ "ổ chuột, chờ sập" ở Thừa Thiên - Huế bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn đến việc hỗ trợ di chuyển, tạm cư trong quá trình thực hiện dự án; các cơ chế chính sách cho người có công; chọn lựa nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm để công trình được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cũng như có buổi đối thoại với nhà đầu tư để đề xuất các kiến nghị của mình…

Bà Đinh Thị Búp cho biết, khu tập thể được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, cũng như mang tính đặc thù qua từng thời gian. Đây còn là nơi cư trú của những người từng tham gia tiền khởi nghĩa. Vì vậy, mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, bệnh binh, chất độc màu da cam.

Bà Búp đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần chọn chủ đầu tư có tiềm lực để làm một cách đồng bộ và hiệu quả. Đây là mong muốn của người dân từ 12 năm nay, và lần này Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đích thân đối thoại với người dân là điều đáng mừng.

Ông Nguyễn Viết Đáo đồng tình với chủ trương cải tạo khu chung cư Đống Đa và khẳng định, thời gian cải tạo lúc này là đúng thời điểm.

"Khu chung cư Đống Đa là bộ mặt của thành phố thì kiến trúc công trình phải thật đẹp, kiểu mẫu, xứng tầm vị trí đang tọa lạc. Ngoài ra, cơ quan chính quyền địa phương phải chọn nhà đầu tư có uy tín, thời gian và chất lượng thi công công trình phải được đảm bảo. Đồng thời mong muốn bà con khu chung cư quyết tâm, đồng thuận để sớm cùng với tỉnh thực hiện cải tạo khu chung cư", ông Đáo nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Lư bày tỏ mong muốn khu tập thể phải xây dựng theo hướng xanh, sạch, sáng, đẹp. Hiện nay cơ sở xuống cấp nên việc di dời là chủ trương đúng đắn của địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện phải đảm bảo các quyền lợi cho các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Đa phần cư dân sinh sống tại khu chung cư Đống Đa đồng ý với phương án cải tạo của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Kết luận buổi đối thoại, ông Phan Ngọc Thọ vui mừng với việc đa phần người dân đồng ý phương án cải tạo để có nơi ở mới tốt hơn. Những ý kiến, trao đổi của người dân về các chính sách, cơ chế sẽ được cơ quan chứng năng tiếp thu, ghi nhận và có phương án xử lý tốt nhất dựa trên các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, những gia đình chính sách, người có công sẽ được quan tâm hơn trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Liên quan đến việc hỗ trợ di chuyển, tạm cư đối với các gia đình, cá nhân chủ sở hữu căn hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, chính quyền địa phương sẽ trao đổi với nhà đầu tư để hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, việc chọn nhà đầu tư sẽ được công bố công khai.

Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các cấp chính quyền cam kết sẽ đồng hành, sát cánh với nhân dân trong quá trình cải tạo xây dựng mới khu chung cư Đống Đa nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng công trình chất lượng, đảm bảo tiến độ, phù hợp với cảnh quan đô thị, có cơ chế hỗ trợ đền bù phù hợp và sớm tạo lập cho nhân dân một nơi ăn chốn ở ổn định, đẹp đẽ hơn, khang trang hơn, xứng tầm công trình tại vị trí trung tâm đô thị Huế.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu chung cư Đống Đa gồm 5 dãy nhà (A, B, C, D, E) từ 2-5 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng 7.971 m2. Các dãy nhà được đưa vào sử dụng từ năm 1979 - 1988, thuộc công trình cấp 3 và hiện chỉ còn 219 căn hộ người dân được phép ở và kinh doanh ở tầng 1.

Dãy nhà A năm tầng nằm ở mặt đường Đống Đa, ngay ngã sáu Hùng Vương - vị trí đắt đỏ nhất ở TP Huế. Tuy nhiên, ngay ở nơi "ngon" nhất của TP Huế lại tồn tại một khu nhà "ổ chuột" đầy rêu mốc, xuống cấp trầm trọng. Mặt sau dãy nhà này dày đặc những mảng loang lổ, bong tróc, cỏ cây ký sinh um tùm.

Theo ông Vũ Hồng Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thừa Thiên - Huế, báo cáo kết quả kiểm định cho thấy ngoài dãy nhà E cơ bản an toàn thì 4 dãy nhà còn lại đang trong tình trạng nguy hiểm.

Cụ thể, dãy nhà A nguy hiểm cấp D, các kết cấu không còn khả năng chịu lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể; khu nhà B, C nguy hiểm cấp C, kết cấu chịu lực không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Ông Phong cho rằng cần phải xây dựng lại để bảo đảm an toàn.

"Trước mắt, người dân không được kinh doanh ở những khu vực cảnh báo nguy hiểm, không được tự tháo các bức tường hiện trạng để mở thêm cửa hoặc thông phòng", ông Phong nói.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới