Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những bộ phận nào trên ô tô bị cấm độ?

(VTC News) -

Độ xe là việc thay đổi thiết kế bên ngoài hoặc bên trong ô tô để tăng khả năng vận hành cũng như làm thay đổi diện mạo của chiếc xe.

Tuy nhiên, không phải bộ phận nào cũng có thể độ được. Người dùng cần lưu ý những bộ phận xe ô tô cấm độ, cải tạo, trong đó hệ thống treo, phanh và lái là ba trong số những bộ phận xe ô tô cấm độ để đảm bảo an toàn quá trình di chuyển.

Ngoài ra, người dùng cũng nên biết về các lưu ý khi độ xe, cũng như những hạn chế của việc cải tạo ô tô trước khi ra quyết định sửa đổi bất kỳ điều gì trên xe của mình.

Độ ô tô là gì?

Độ ô tô là việc thay đổi diện mạo bên ngoài ô tô, tiến hành nâng cấp các phụ kiện, bộ phận bên trong để tăng khả năng vận hành cho xe hoặc gắn thêm các trang thiết bị tiện ích cho ô tô so với bản gốc ban đầu.

Ưu điểm của việc độ xe ô tô

- Giúp hiệu suất mạnh mẽ hơn: Độ xe như bổ sung mô-men xoắn vào động cơ, tăng cường mã lực hay trang bị hệ thống tản nhiệt có thể giúp xe chạy nhanh hơn, hiệu suất tốt hơn. Ngoài ra, nếu một chiếc xe bị mài mòn theo thời gian có thể sẽ giảm hiệu suất vận hành và việc độ, cải tạo lại có thể giúp xe chạy êm ái, mượt mà hơn.

Nhiều bộ phân trên xe không được phép độ. (Ảnh minh họa).

- Tăng tính thẩm mỹ: Đây cũng là một trong những lý do lớn khiến một số người dùng thích độ xe. Kết quả sẽ làm cho ô tô trở nên cá nhân hóa, trông khác biệt và thẩm mỹ hơn.

- Có thêm sự bảo vệ, tính năng: Độ và cải tạo xe ô tô có thể đem đến nhiều tiện ích hơn cho người dùng, ví dụ trang bị một số phụ kiện có thể giúp lọc bỏ ánh sáng gay gắt, dẫn đến nhiệt độ thấp hơn và ngăn ngừa các hư hỏng do ánh sáng có thể làm phai màu nội thất của xe.

Những bộ phận xe ô tô bị cấm độ

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Các xe không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống không đúng với thiết kế ban đầu của nhà chế tạo hay bản thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bởi độ xe, cải tạo xe có thể không đảm bảo an toàn khi di chuyển, cũng như tác động đến chất lượng khí thải.

Theo Phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc cải tạo lại ô tô phải phù hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Trong đó, các chi tiết, hạng mục trên ô tô bị cấm cải tạo hay thay đổi bổ sung/tháo ra so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất bao gồm:

Không được cải tạo hệ thống treo;

Không được cải tạo hệ thống phanh (trừ trường hợp phương tiện sát hạch được phép lắp thêm phanh phụ, được cải tạo xe để cung cấp năng lượng phanh của rơ moóc);

Không được cải tạo hệ thống lái;

Không lắp giường hai tầng trên xe chở người;

Không được phép tăng kích thước khoang chở đồ đạc, hành lý;

Không thay đổi kích cỡ lốp, số trục và vết bánh xe;

Không được đổi khoảng cách giữa những trục của xe cơ giới (trừ trường hợp cải tạo thành phương tiện chuyên dùng, đầu kéo);

Không được làm tăng chiều dài toàn bộ của ô tô;

Không tăng kích thước lòng thùng xe của xe tải, thể tích xi téc.

Về quy định giới hạn số lần cải tạo, trong suốt vòng đời phương tiện, mỗi xe cơ giới chỉ được phép cải tạo, thay đổi 1 trong 2 tổng thành chính: động cơ hoặc khung. Chủ xe không được phép thay đổi quá 3 hệ thống trong các tổng thành: buồng lái, thân/thùng xe/khoang chở khách; hệ thống truyền lực; bộ chuyển động; treo; phanh; lái; nhiên liệu. Và lưu ý không được dùng các hệ thống, tổng thành đã qua sử dụng trong việc cải tạo ô tô.

Về loại xe cải tạo, Phòng Kiểm định xe cơ giới không cho phép thay đổi công năng của các loại xe đã được đưa vào sử dụng trên 15 năm (tính từ thời gian sản xuất); không được cải tạo xe cơ giới chuyên dùng nhập khẩu thành xe cơ giới loại khác trong thời gian 5 năm (tính từ năm xe được cấp biển số lần đầu), thay đổi xe đông lạnh nhập khẩu thành xe loại khác trong thời gian 3 năm; không được thay đổi xe cơ giới loại khác thành phương tiện chở người và ngược lại (trừ trường hợp xe chở người 16 chỗ trở xuống được cải tạo thành xe chuyên dùng hay xe VAN).

Về việc người mua ô tô cũ về để độ xe, cải tạo thêm kết cấu, sơn sửa màu thành các mẫu xe sang, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới thông tin: Các trường hợp phương tiện cố tình cải tạo mà không có thiết kế cải tạo được duyệt (trừ các trường hợp thay đổi đơn giản được miễn thiết kế) đều không được cấp chứng nhận cải tạo, đăng kiểm xe để tham gia giao thông hợp lệ. Như vậy, lúc này người dùng buộc phải khôi phục phương tiện về nguyên trạng ban đầu để được cấp giấy phép lưu thông.

Mức phạt với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô

Mức phạt với việc vi phạm độ xe, cải tạo xe được quy định trong Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP):

Phạt tiền từ 2.000.000  - 4.000.000 đồng với các cá nhân và 4.000.000 - 8.000.000 đồng với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại phương tiện tương tự ô tô vi phạm: Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy và đưa xe đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định vào lưu thông.

Phạt tiền từ 6.000.000 -  8.000.000 đồng với các cá nhân và 12.000.000 - 16.000.000 đồng với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại phương tiện tương tự ô tô vi phạm: Tự ý cải tạo các bộ phận xe ô tô cấm cải tạo: tổng thành khung, tổng thành máy, hệ thống phanh, hệ thống truyền động/truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dạng, kích thước phương tiện khác với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được đơn vị có thẩm quyền phê duyệt;

Tự ý cải tạo các công năng của xe hoặc lắp thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container (rơ moóc và sơ mi rơ moóc) trên xe.

Tự ý cải tạo các ô tô khác thành phương tiện chở khách.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Tin mới