Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những bố mẹ Việt đau đáu giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con

(VTC News) -

Bố mẹ những em nhỏ người Việt sinh ra ở nước ngoài hiểu rằng các con sẽ sớm trở thành những công dân toàn cầu, nhưng “dù đi đâu thì mình vẫn là người Việt”.

Đối với các gia đình người Việt Nam tại nước ngoài, việc dạy tiếng Việt cho con không chỉ là giữ gìn bản sắc, nguồn cội mà còn là điều quan trọng để duy trì sự kết nối trong gia đình, trang bị cho thế hệ này trên hành trình “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Tận dụng mọi môi trường

Anh Hồng Hải sinh sống và làm việc ở ở Penang, Malaysia khoảng 13 năm. Anh có 2 con nhỏ - một 2 tuổi và một 12 tuổi, đều sinh ra tại Malaysia. Hai vợ chồng anh công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và làm việc cho công ty nước ngoài. 

Bé lớn sinh ra tại Malaysia, vào khoảng thời gian lúc bé 2 - 3 tuổi, vợ chồng anh Hải quyết định gửi bé về Việt Nam nhờ ông bà ngoại. “Vì thời điểm này cũng khá bận và bọn mình khi có bé đầu tiên thì cũng chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con, chưa tìm được người giúp việc để hỗ trợ”. 

Hơn 1 năm sau, anh chị đón bé lớn trở lại Malaysia. Trong khoảng thời gian về Việt Nam, bé được ở cùng ông bà, tiếp xúc với họ hàng và bắt đầu nói tiếng Việt.

Từ đó vợ chồng anh mong muốn làm thế nào dạy thêm tiếng Việt cho bé, để giúp bé sau này tiếp tục duy trì tiếng Việt, cả khi biết viết, biết đọc. 

“Tôi nghĩ dù có sống ở nước ngoài hay thế nào đi nữa, mình vẫn là người Việt. Học tiếng Việt là để có sự hiểu biết về quê hương, vì đó là tiếng mẹ đẻ, nên đối với chúng tôi khá quan trọng”, anh nói với VTC News. 

Từ quyết định này, anh chị đặt mua một số sách vở và dạy tiếng Việt cho con. Thỉnh thoảng khi có thời gian nghỉ hè hoặc cả gia đình về Việt Nam thăm ông bà, ở với ông bà trong khoảng 2-3 tháng, anh chị luôn cố gắng cho bé tham gia các khóa học tiếng Việt ngắn. 

Nói về những khó khăn khi cho con học tiếng Việt ở nước ngoài, anh Hải đề cập đến môi trường tiếp xúc và học tập có thể không được thường xuyên, khiến bé tiếp thu chưa hiệu quả. “May mắn là cộng đồng người Việt bên Malaysia khá đông, nên mọi người bắt đầu chỉ cách cho nhau và học hỏi kinh nghiệm. Dần dần việc học tiếng Việt ở cộng đồng tại Malaysia cũng trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Lúc đó bé nhà mình đã được khoảng 5-6 tuổi”. 

Về sau, gia đình anh biết đến lớp học của cô Liên (chị Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia, được vinh danh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023) và đăng ký cho bé theo học. Cứ mỗi cuối tuần là anh chị đều đặn cho bé tham gia lớp, “trừ khi điều kiện bất khả kháng”.

Một buổi học tiếng Việt của các bạn nhỏ người Việt ở Malaysia. (Ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Liên) 

Đối với việc định hướng cho con khi sống trong môi trường tiếp xúc nhiều ngôn ngữ, anh Hải cho biết, dù gia đình sống ở Malaysia nhưng cũng không ép các con phải học tiếng Malaysia, vì không phải ngôn ngữ nào cũng phổ biến ở nhiều nơi và mang tính quốc tế. Ngoài ra gia đình cũng luôn có sự trao đổi, chia sẻ với con về mục đích của việc học các ngôn ngữ, lắng nghe ý kiến của con xem bố mẹ cho con học thế này, thế kia có được không. 

“Dù cháu sinh ra ở Malaysia và cũng đã 12 tuổi nhưng học trường quốc tế, và ở đó cũng có những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Hoa. Đi học bé tương tác bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, còn về nhà nói chuyện với thành viên trong gia đình bằng tiếng Việt. Đôi khi ra ngoài có những trường hợp người nước ngoài nói chuyện, bạn ấy còn giúp dịch lại cho mẹ, cho bà”. 

Đối với gia đình anh Hải, việc cho con học nhiều ngôn ngữ buộc phải thu xếp thời gian làm sao cho hợp lý, để các bạn vừa có thời gian học vừa có thời gian nghỉ ngơi. 

Gia đình gắn kết nhờ tiếng Việt

Chị Mai Hoàng, quê ở Bắc Giang, hiện đang sống và làm việc tại Phần Lan cùng chồng người Phần Lan và con gái 8 tuổi. Con gái chị sinh ra tại Việt Nam, theo gia đình sang Phần Lan khi 1 tuổi. Bé tiếp xúc với gia đình nhà nội bằng tiếng Phần Lan, học ở trường sử dụng tiếng Anh và tiếng Phần Lan, nên chỉ khi ở nhà cùng mẹ mới có thể dùng tiếng Việt.

Gia đình chị Mai. (Ảnh: FBNV)

Ngay từ khi con còn nhỏ, chị Mai đã cố gắng cho con tiếp xúc với tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày, nhằm tạo thói quen để bé sử dụng tiếng Việt mà không bị trộn lẫn với các ngôn ngữ khác. Chị nói chuyện, hát cho con nghe bằng tiếng Việt, chỉ nói tiếng Việt với con, hay cùng con xem các chương trình TV bằng tiếng Việt... Chị cũng tìm cho con các lớp học tiếng Việt trực tuyến, tham gia các chương trình của cộng đồng người Việt, để con có thể học tiếng Việt tốt hơn. 

“Mỗi tối trước khi con đi ngủ, mình thường kể cho con nghe những câu chuyện bằng tiếng Việt, vừa giúp con học tiếng việt vừa tạo kết nối tình cảm. Khi con rảnh rỗi, mình cho con gọi điện về nói chuyện với ông bà ngoại và anh chị em họ ở Việt Nam, để bé có thể giữ liên lạc với gia đình và gắn bó với văn hóa Việt. Dù con còn nhỏ, mình vẫn thường tâm sự với con về các tình huống trong cuộc sống ở Việt Nam, hỏi con về ý kiến của bé và giải thích cho con về những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Việt”.

Chị Mai cho biết, con gái chị luôn cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình, may mắn vì được trải nghiệm cả hai nền văn hóa là Việt Nam và Phần Lan. 

Chồng chị cũng ủng hộ và tham gia học tiếng Việt cùng hai mẹ con. Quá trình học tiếng Việt như vậy trở thành sợi dây góp phần gắn kết thêm các thành viên trong gia đình. “Bé rất vui và hứng thú, tự hào vì cảm thấy có thể giúp bố học nói tiếng Việt đúng hơn. Điều này cũng giúp con cảm thấy rằng tiếng Việt của mình có giá trị và ý nghĩa”.

Bài tập tiếng Việt của con chị Trần Trang, người Việt tại Nhật Bản. 

Hài hòa trong môi trường đa ngôn ngữ 

Chị Trần Trang, quê ở Lào Cai, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản hơn 10 năm. Chị quen chồng người Pakistan tại Nhật. Gia đình chị có hai bé, bé trai lớn hiện đang độ tuổi trung học còn bé gái nhỏ vừa học lớp 1. 

Gia đình chị Trang. (Ảnh: FBNV)

Đối với các gia đình đa văn hóa (bố hoặc mẹ người Việt), trong gia đình thường sử dụng ít nhất 3 thứ tiếng (tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng bản địa). Đối với trường hợp của gia đình chị Trang thì là 4 thứ tiếng (Anh, Việt, Nhật, Pakistan).  Chia sẻ về việc dạy tiếng Việt cho con trong bối cảnh này, chị Trang cho biết chị cố gắng dành nhiều thời gian cho các bé tiếp xúc với ngôn ngữ trong từng giai đoạn, một cách vui vẻ và thoải mái để các con có thể tiếp thu dần dần một cách tự nhiên. 

Theo chị Trang, các con chị đều đã quen với môi trường đa ngôn ngữ từ nhỏ nên không gặp quá nhiều áp lực khi lớn lên, dù cũng cần thời gian thích nghi. 

Bé lớn sau thời gian học đến lớp 1 ở Việt Nam thì sang Nhật học, hàng năm vẫn được mẹ cho về Việt Nam vào các dịp nghỉ và lễ Tết. Hiện bé chủ yếu dùng tiếng Nhật khi đi học, nhưng vẫn thường đọc và xem các sách vở tiếng Việt cùng mẹ. Hiện tại, chị định hướng cho con học ở Nhật. Sau khi học xong hết phổ thông, chị sẽ cân nhắc cho bé về Việt Nam để học thêm ngành nghiên cứu về Việt Nam. 

Bé nhỏ được chị Trang hướng dẫn và dạy nhiều về tiếng Việt ngay từ đầu. Bé dùng tiếng Việt rất tự nhiên, gần như không có sự khác biệt với các bạn nhỏ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Năm 2023, chị cho bé về Việt Nam học lớp 1 trong 9 tháng, khi đó bé cũng thích nghi rất nhanh. 

“Tôi dành thời gian nói chuyện, kể những câu chuyện thiếu nhi hấp dẫn cho con nghe. Tôi cũng cho con xem bài hát, phim hoạt hình Việt Nam. Bé học nhanh và thích xem, học theo. Bé đôi khi còn nói với mẹ rằng con muốn học thêm nhiều ngôn ngữ khác nữa”.

Đối với chị Trang, việc các con biết thêm những ngôn ngữ khác nhau sẽ thuận tiện hơn cho cuộc sống sau này. Chị cũng thường giải thích với các bé như vậy. 

“Cũng có nhiều bố mẹ tìm đến tôi nhờ chia sẻ kinh nghiệm thêm về việc dạy tiếng Việt cho con. Chủ yếu là các bố mẹ rất bận và không sắp xếp được thời gian. Nhưng việc dành ra thời gian để trò chuyện cùng con là rất quan trọng”, chị Trang nói. 

Phương Anh (Đồ họa: Huy Mạnh )

Tin mới