Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ai không nên ăn ốc?

(VTC News) -

Ốc là món ăn được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng ăn được, vậy những ai không nên ăn ốc?

Ăn ốc có tốt không?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec chỉ ra, ốc có nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, ít chất béo, giàu protein và vitamin cùng với một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Vì vậy, các thành phần dinh dưỡng có trong ốc sẽ có tác dụng với cơ thể con người như sau:

Magie: Magie có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, khiến cho xương và răng chắc khỏe, đồng thời magie còn tham gia điều hòa các dưỡng chất như kẽm, canxi, kali và vitamin D. Trong 85g ốc chứa khoảng 212mg magie, với lượng magie đó cung cấp đến 53% lượng khuyến nghị magie hàng ngày cho đàn ông trưởng thành và 68% lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ.

Selen: Selen có vai trò là một phần của enzyme selenoprotein, giúp hỗ trợ chức năng hệ thống nội tiết và miễn dịch trong cơ thể. Theo khuyến nghị, phụ nữ và đàn ông trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 55 mcg selen. Trong 85g ốc chứa 23,3 mcg selen, cung cấp 42% nhu cầu cần thiết hàng ngày. Bên cạnh đó, Selen còn có khả năng chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, viêm khớp, nhiễm trùng tái phát.

Vitamin E: Trong ốc chứa vitamin E, đây là vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp hồng cầu, chuyển hóa vitamin K và bảo vệ tế bào trước tác hại của gốc tự do. Nếu thiếu vitamin E có thể khiến cho việc kiểm soát cơ bắp khó khăn hơn, mắt cử động bất thường hoặc các bộ phận gan, thận gặp các vấn đề xấu. Vì vậy, cung cấp đầy đủ vitamin E sẽ làm giảm nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh đái tháo đường, ung thư, rối loạn thần kinh và tim mạch.

Phốt pho: Trong ốc có chứa phốt pho, đây là chất có tác dụng duy trì mật độ xương và điều hòa các chất dinh dưỡng, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng và hỗ trợ trong việc sản xuất ra ADN và ARN.

Do đó, Ăn ốc có tốt không? Câu trả lời là có, bởi với những thành phần dinh dưỡng như trên, cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con người. Có thể chế biến ốc tươi bằng nhiều cách như hấp, xào sả ớt, nướng muối...

Những ai không nên ăn ốc?

Những ai không nên ăn ốc?

Ốc tuy tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Vậy, những ai không nên ăn ốc?

Người bị bệnh gout, viêm khớp

Báo Lao động dẫn nguồn tờ Webmd cho biết, ốc là nguồn cung cấp nhiều chất đạm và ca nxi. Do đó, đối với những người bị bệnh g out, không nên sử dụng ốc trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình.

Một chế độ ăn nhiều đạm dễ làm sản sinh axit uric, gây ra các cơn đau khớp dữ dội. Khi tình trạng này kéo dài có thể làm tích tụ và lắng đọng các tinh thể muối urat ở ổ khớp, gây nhức buốt cho người bệnh.

Người đang bị dị ứng

Đối với những người hay bị dị ứng, nếu muốn ăn cua, ốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ trong việc ăn loại thực phẩm này hoặc nên sử dụng một lượng nhỏ để quan sát dấu hiệu của cơ thể, nếu thấy ăn sau vài phút hoặc vài giờ xuất hiện mề đay, ngứa, nôn nao… thì nên ngưng việc ăn ốc và đến bệnh viện để điều trị.

Người mắc bệnh thận, huyết áp cao

Trong ốc có chứa nhiều natri, khi hàm lượng natri cao sẽ khiến tình trạng bệnh đái tháo đường, thận và huyết áp cao nặng thêm. Vì vậy, đối với những người bị các bệnh này nên hạn chế ăn cua, ốc.

Người đang bị ho, hen suyễn

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những người bị ho hay hen suyễn khi ăn các loại hải sản như ốc sẽ khiến tình trạng của bệnh ngày càng nặng hơn. Do đó, để tránh tình trạng bệnh thêm nặng nên tránh ăn hải sản để bảo vệ cơ thể được tốt nhất.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Tin mới