Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhựa từng là 'con cưng' sau khi chào đời, tại sao lớn lên lại thành 'tội đồ'?

(VTC News) -

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương hiện là vấn đề không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng rất quan tâm.

 

Nằm trong chuỗi bài viết về chủ đề bảo vệ môi trường hưởng ứng Giải báo chí Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương cho Báo điện tử VTC News chủ trì tổ chức, PV đã có cuộc phỏng vấn chị Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt về góc nhìn khác trong vấn đề bảo vệ môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Chị Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt

- Được biết Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là một tổ chức phi lợi nhuận nổi bật với các hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan tới dinh dưỡng, bà mẹ, trẻ em, nhưng Quỹ hiện cũng đang có tiếng nói mạnh mẽ trong lĩnh lực Phát triển bền vững và Bảo vệ môi trường, cơ duyên nào đã đưa Quỹ đến với lĩnh vực này? 

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt thành lập từ năm 2014, là một tổ chức xã hội từ thiện phi lợi nhuận với sứ mệnh đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về giáo dục, sức khỏe, công bằng, và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện các dự án liên quan đến thanh niên, giới trẻ trong chương trình Ươm mầm tài năng của Quỹ, chúng tôi có cơ hội làm việc với nhiều bạn trẻ và nhận thấy vấn đề môi trường đang nằm trong mối quan tâm lớn của thanh niên hiện nay.

Rất nhiều bạn trẻ có ý thức trong vấn đề môi trường và đã có những hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể. Tuy nhiên, không phải là tất cả các bạn trẻ đều có được nhận thức này. Chỉ có một số bạn có những nỗ lực về môi trường nhưng tiếc rằng nguồn lực của các bạn ấy lại có hạn.

Các bạn trẻ cũng chưa tiếp cận được những bên liên quan, cũng như chưa thu hút được sự chú ý của cộng đồng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề môi trường.

Chính vì vậy mà Quỹ đã khởi xướng một sáng kiến dành cho giới trẻ, đó là dự án Thanh niên vì môi trường năm 2019. Sáng kiến này khi vừa ra đời đã ngay lập tức nhận được sự tài trợ của mạng lưới Báo chí toàn cầu, là một trong 12 dự án trong năm đó được tài trợ, và cũng là dự án duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ của mạng lưới Báo chí toàn cầu (Earthe Journalism Network).

Dự án này thành lập một nhóm thanh niên nòng cốt, đưa ra các ý kiến, ý tưởng sáng tạo, vận động nâng cao ý thức của cộng đồng thông qua mạng xã hội và báo chí, thân thiện, gần gũi với giới trẻ và cộng đồng.

Đó là cội nguồn, cơ duyên đưa Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đến với mảng môi trường. Sau 1 năm đầu tiên hoạt động, dự án nhận được những thành quả bước đầu. Có tới 7.600 bạn trẻ được hưởng lợi, với hàng chục cơ quan Báo chí đưa tin, quan tâm, chia sẻ về dự án.

Với sự thành công của dự án Thanh niên vì môi trường, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt được mời tham gia và trở thành thành viên Ban điều phối Quốc gia của Liên minh các Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam, và tham gia một số mạng lưới hoạt động về rác thải nhựa khác. Quỹ đã trở thành một trong những thành viên tích cực của các hoạt động bảo vệ môi trường trong các mạng lưới này.

Con người và thiên nhiên đều đang bị ảnh hưởng bởi rác (Ảnh: ecowarriorprincess)

- Theo chị, mọi người đang gặp khó khăn gì khi thực hiện việc bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa?

Khi chúng tôi thực hiện các công việc liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các bên liên quan, giới trẻ, cộng đồng doanh nghiệp thì tôi nhận thấy có một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất là hạ tầng xử lý rác thải nhựa vẫn còn chưa đồng bộ, chính vì vậy mà nó gây ra những khó khăn cho công cuộc giảm thải rác thải nhựa cũng như xử lý, tái chế để đạt được kết quả tối ưu nhất.

Vấn đề khó khăn thứ hai là nguyên liệu thay thế cho nhựa hiện tại có chi phí khá đắt đỏ, chưa phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng và cộng đồng. Vì vậy, để có thể vận động, tuyên truyền từ bỏ hẳn rác thải nhựa là điều gần như rất khó khăn và không khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Hy vọng trong tương lai, khi con người tìm ra được vật liệu thay thế nhựa có giá thành rẻ hơn, gần gũi hơn với cộng đồng thì việc giảm rác thải nhựa mới có thể đạt được hiệu quả tốt.

Vấn đề khác nữa, quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan, sự chung tay vào cuộc của mọi người cần mang tính đồng bộ hơn mới có thể giải quyết được vấn đề về môi trường.

Đại dương ngập rác (Ảnh minh họa)

- Khi hiểu về những hậu quả của rác thải nhựa, ở góc độ doanh nghiệp thì các chị đã có giải pháp gì để tìm vật liệu thay thế nhựa?

Hiện nay, việc sản xuất các sản phẩm có sử dụng nhựa ở tập đoàn TH chúng tôi cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ví dụ như thứ nhỏ nhất là chiếc ống hút nhựa, Tập đoàn TH cũng đã chọn thay thế sang loại ống hút có thời gian phân hủy ngắn hơn và không gây hại ra môi trường. Tuy nhiên giá thành của những vật liệu này thường đắt đỏ hơn.

Ngoài ra, túi đựng hàng hóa của chuỗi cửa hàng Truemart cũng đã chuyển từ chất liệu túi nylon thông thường sang túi nylon sinh học dễ phân hủy. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân trong đời sống hàng ngày. Tiết chế sử dụng, tái chế và tăng cường phân loại là việc làm rất quan trọng.

Ban lãnh đạo Tập đoàn TH cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi, sáng kiến trong doanh nghiệp để khuyến khích cán bộ công nhân viên nâng cao nhận thức trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Thông qua các cuộc thi như vậy, kể cả trong khâu sản xuất cũng tạo ra các hoạt động, đưa ra các sáng kiến để tối ưu hóa và tiết kiệm nguồn lực, các nguyên vật liệu để giảm thiểu rác thải.

Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

Tập đoàn TH có hệ thống cửa hàng rất lớn và rộng khắp trên cả nước, hơn cả việc sử dụng túi nylon sinh học có khả năng phân hủy nhanh thì còn có hoạt động tặng/bán túi vải cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm. Doanh thu từ việc bán túi vải sẽ dành cho Quỹ để chung tay nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

TH là tập đoàn lớn và có nhiều đối tác trong các khâu sản xuất, bao bì nên các đối tác này cũng dành sự quan tâm và tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường của Quỹ.

Ví dụ như trong cuộc thi Khi nhựa lên tiếng, có 7 đối tác của Tập đoàn TH liên quan đến bao bì, nhựa, giấy, in, công nghệ chế biến đã hưởng ứng lời kêu gọi và tài trợ cho cuộc thi. Điều này thể hiện sự quan tâm, chung tay của các doanh nghiệp, đồng thời cho thấy lực lượng này là một nhân tố quan trọng có khả năng thúc đẩy, tạo nên sự thành công trong việc giảm thải rác thải nhựa và xử lý các vấn đề về môi trường.

Những loài sinh vật ở đại dương đang bị đe dọa bởi rất nhiều rác (Ảnh minh họa)

- Thông qua cuộc thi Khi nhựa lên tiếng - Quỹ dự kiến lan tỏa tiếng nói như thế nào để làm giảm rác thải nhựa?

Cuộc thi Khi nhựa lên tiếng là hoạt động hợp tác của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt với Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh - Green Hub, là đối tác chiến lược của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn liên quan đến mảng hoạt động về môi trường.

Cuộc thi dành cho đối tượng thanh niên từ 16-30 tuổi, với mục đích tìm kiếm những tác phẩm truyền thông liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây không phải là cuộc thi tìm kiếm những sáng kiến để giảm rác thải nhựa hay nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, mà thông qua cuộc thi này, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Green Hub muốn thúc đẩy khả năng sáng tạo, tìm tòi và đam mê của các bạn trẻ trong sáng tạo nghệ thuật liên quan đến bảo vệ môi trường.

Thông qua cuộc thi, chúng tôi đã tìm ra các sản phẩm truyền thông hiệu quả để tiếp cận với giới trẻ, cộng đồng và với các doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Là thành viên của ban giám khảo, tôi đã cảm thấy vô cùng bất ngờ khi chấm thi các sản phẩm này. Sự sáng tạo, tìm tòi đa dạng thể hiện rằng các bạn trẻ đã không hề tham gia cuộc thi một cách hời hợt, không chỉ hiểu các vấn đề về bảo vệ môi trường một cách bề mặt, mà các bạn thực sự đi sâu vào nghiên cứu từ dữ liệu khoa học đến thực tế.

Các bạn trẻ đã tìm hiểu sâu và có những ý tưởng của riêng mình để thực hiện thông điệp của sản phẩm, truyền đạt một cách hấp dẫn, thú vị và gần gũi với người xem. Thực sự, người xem có những rung động và cảm xúc rất lớn khi xem những sản phẩm này. Sau khi xem thì có thể tự vấn lại chính mình để từ đó có những thay đổi thói quen, nhận thức của mình về vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường.

Đối tượng doanh nghiệp đóng vai trò lớn, có tính quyết định trong việc tạo ra thành công trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, bởi vì họ có năng lực, nguồn lực, kỹ thuật, tài chính và chuyên môn, có thể tiên phong và quyết định trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, mang lại sự thành công trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Còn thế hệ trẻ và tầng lớp thanh niên với vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước, là người quyết định vấn đề môi trường trong tương lai thì việc thay đổi nhận thức của họ từ đó lan tỏa đến những người xung quanh cũng đóng vai trò quyết định.

Chúng ta đã nhìn thấy rác, đã nghĩ ra các giải pháp, giờ chỉ cần hành động (Ảnh minh họa)

- Nếu chúng ta nhìn nhận lại, đánh giá khách quan thì nhựa có thật sự “đáng bị tẩy chay?”

Điều thú vị mà tôi nhận thấy rất rõ khi tiếp xúc với các bạn trẻ là họ đã tìm tòi và khám phá ra được một góc nhìn đa chiều, công bằng cho nhựa. Bởi từ trước đến nay, khi nói về nhựa thì mọi người sẽ có một cái nhìn rất xấu vì những tác hại của nó gây ra cho sức khỏe và môi trường sống của chúng ta, thậm chí coi nhựa là “tội đồ”, không hề có thiện cảm.

Nhưng các bạn trẻ đã nghiên cứu và lật lại vấn đề, minh oan cho nhựa. Các bạn trẻ cũng khẳng định rằng, tại thời điểm mà nhựa ra đời, nhựa là một phát minh mang tính vĩ đại của con người, là một bước tiến của lịch sử. Nhựa mang lại một cuộc cách mạng, tại thời điểm đó, sự ra đời của nhựa rất được hoan nghênh, tung hô. Vậy thì tại sao, sau một thời gian, nhựa lại trở thành đối tượng bị chúng ta bài xích, hắt hủi?

Nếu vậy, chúng ta phải đặt lại vấn đề rằng, bản thân nhựa không phải là thứ gì đó xấu xa, chỉ có cách sử dụng nhựa, cụ thể là chúng ta sử dụng nhựa vô tội vạ như hiện nay mới là vấn đề đáng bàn, là điều chúng ta cần phải xem xét lại và phải thay đổi, chứ không phải cứ “đổ vấy” cho nhựa.

Trên thực tế, chúng ta đều hiểu rằng, việc bài trừ nhựa dường như là một vấn đề hoàn toàn bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. Nếu hiện tại chúng ta chưa thể tìm ra một loại vật liệu có thể thay thế cho nhựa, phù hợp với túi tiền của cộng đồng nói chung thì chỉ có cách là chúng ta thay đổi cách sử dụng nhựa, thay đổi nhận thức của mỗi người.

Đó là góc nhìn rất tiến bộ của các bạn trẻ, không nhìn vấn đề một cách phiến diện và cực đoan. Các bạn trẻ ngày nay có những góc nhìn rất biện chứng, vấn đề cốt lõi ở đây là việc thay đổi hành vi của chúng ta.

Dù nhựa có phát triển tràn lan đến đâu, nếu con người không sử dụng nó một cách tùy tiện thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến môi trường như hiện nay.

Chúng ta cần phải nhìn lại một góc nhìn khác, là khi chưa có nhựa, con người sử dụng rất nhiều giấy, phải chặt quá nhiều cây, khiến cho việc tàn phá rừng xảy ra rất nghiêm trọng. Sự ra đời của nhựa là một vật liệu thay thế cực kỳ rẻ, hiệu quả, giảm thiểu vô cùng lớn trong việc chặt phá rừng phục vụ ngành công nghiệp giấy, bao bì.

Sự ra đời của nhựa như là một bước tiến, một phát minh vĩ đại của loài người. Đáng tiếc là chỉ sau một thời gian ngắn khi đưa nhựa vào sử dụng thì những hành vi của con người đã không được tiết chế, thậm chí lạm dụng và phung phí khi sử dụng đồ nhựa. Từ đó khiến cho nhựa trở thành “nhân vật” phản diện.

Đi đâu, làm gì, khi nói đến nhựa cũng bị “ghét”, rồi con người lại có xu hướng xa lánh nhựa, quay trở lại tìm kiếm những vật liệu thay thế, đặc biệt là giấy. Điều này giống như một vòng tròn luẩn quẩn, nếu dùng giấy nhiều lại sẽ phải chặt cây, phá rừng.

Do vậy, cần phải tìm cách tiết chế và sử dụng đồ nhựa khoa học hơn, thông minh hơn và an toàn hơn. Cần có sự hài hòa, cân bằng trong việc thay đổi hành vi, giảm dần việc sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là không được dùng vô tội vạ như hiện nay.

Hãy chung tay giảm thải rác nhựa, bảo vệ trái đất xanh (Ảnh minh họa)

- Cá nhân chị đã dùng đồ nhựa một lần thế nào và sẽ làm gì để tiết giảm?

Phải nói thật rằng, tôi chưa phải là một nhà tiên phong trong việc bảo vệ môi trường và cũng chưa trở thành một tấm gương tốt cho mọi người trong việc giảm thải rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

Thực sự, có những lúc tôi cũng phải thú nhận rằng tôi rất xấu hổ vì bản thân mình cũng đang xài nhiều đồ nhựa. Nhìn lại trong 1 ngày, 1 tuần của mình về việc sử dụng đồ nhựa thì đôi lúc cũng có cảm giác sửng sốt vì số lượng đồ nhựa hàng ngày không hề ít.

Mặc dù từng là thành viên chấm giải trong cuộc thi về giảm thiểu rác thải nhựa, nhưng bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều trong quá trình đó thông qua những thông tin mà các thí sinh gửi đến. Qua đó, tôi cũng đã có những thay đổi nhất định trong cuộc sống.

Trong khả năng tối đa cho phép, tôi cũng đã dùng những sản phẩm thay thế cho nhựa và nylon tái chế, dùng đồ tái sử dụng nhiều lần. Ví dụ, mỗi lần đi mua hàng, mình sẽ tăng cường mang chai, bình, hộp của gia đình có thể tái sử dụng để dùng. Khi đi mua sắm thì mang theo túi vải tái sử dụng, có ý thức trong việc tự chuẩn bị túi, qua đó có thể giảm thiểu được số túi nylon.

Các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên xem những tác phẩm về bảo vệ môi trường như video, phim hoạt hình, truyện tranh để nâng cao ý thức tiết giảm dùng đồ nhựa một lần.

Tôi cũng đã từng rất xấu hổ với con mình khi bản thân mình luôn nói với con là phải bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, nhưng mình vẫn đang xả rác thải nhựa ra hàng ngày.

Do đó, tôi nghĩ rằng, bản thân mỗi người nên tự ý thức trong từng hành vi của mình hàng ngày để giảm rác thải nhựa vứt ra môi trường, sau đó thì cùng tuyên truyền, vận động những người xung quanh cùng thực hiện giống mình, thay đổi nhận thức cho các thành viên gia đình, đặc biệt là con cái mình.

Ngay trong văn phòng làm việc của chúng tôi, mọi người đều chung tay nâng cao ý thức giảm thải dùng nhựa nylon hàng ngày bằng cách thường xuyên tái chế đồ hộp, giảm lượng đồ nhựa, in giấy 2 mặt... Trong các sự kiện, hội nghị, đặc biệt là nội bộ công ty thì sẽ từ bỏ việc sử dụng chai nước nhựa dùng một lần, thay vào đó là mọi người sẽ mang cốc của mình vào phòng họp để sử dụng, từ đó tránh được rất nhiều việc dùng đồ nhựa một lần.

Mỗi người, mỗi sự kiện đều cố gắng giảm thải rác thải nhựa thì lâu dần sẽ tạo thành thói quen và cũng giảm đi được rất nhiều lượng rác nhựa thải ra môi trường.

- Xin cảm ơn chị!

Vân Hồng

Tin mới