Theo báo cáo được công bố bởi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông, loại hợp kim mới có thể vô hiệu hoá 99,75% virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 giờ, và 99,99% trong 6 giờ. Để so sánh, với các kim loại khác, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt trong vòng hơn hai ngày.
Nhóm nghiên cứu - dẫn đầu bởi Giáo sư Huang Mingxin - cũng đã liên lạc với các đối tác để thử nghiệm vật liệu mới trong việc chế tạo các sản phẩm thép không gỉ như nút thang máy, tay nắm cửa, tay vịn… Đây là những bề mặt được nhiều người chạm vào ở các khu vực công cộng. Đặc tính kháng khuẩn của loại hợp kim này sẽ tồn tại lâu dài ngay cả khi nó bị hư hỏng trong quá trình sử dụng.
(Ảnh minh hoạ: Economic Times)
Nguyên liệu mới, nếu được chứng minh là hiệu quả và có triển vọng sản xuất hàng loạt, sẽ giúp giảm đáng kể chi phí khử trùng thường xuyên ở các khu vực công cộng như sân bay, nhà ga xe lửa, cũng như các địa điểm khác có đông người tụ tập, chẳng hạn như rạp chiếu phim và sân vận động thể thao.
Theo nhóm các nhà nghiên cứu, thép không gỉ kháng khuẩn có thể được sản xuất bằng kỹ thuật "luyện kim bột" hiện có, nên chi phí sẽ thấp.
Ngoài ra, loại vật liệu này cũng có thể vô hiệu hoá lại nhiều loại virus và mầm gây bệnh khác như virus cúm A H1N1, vi khuẩn Escherichia coli.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 266 người nhiễm bệnh và hơn 5,2 triệu người tử vong. Bản thân virus SARS-CoV-2 đã trải qua nhiều lần đột biến, trong đó 5 biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể đáng quan ngại. Biến thể mới nhất - Omicron, được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi vào ngày 24/11 - đã nhanh chóng lan rộng ra gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc nhiều chính phủ phải hoãn kế hoạch mở cửa hoặc áp dụng trở lại các lệnh hạn chế nghiêm ngặt.