Du khách đến cố đô Huế có lẽ không khỏi ngạc nhiên khi ở ở cái thời mà nhà nhà, người người đều có thể sở hữu cho mình ít nhất một chiếc xe máy thì tại chợ Đông Ba vẫn có những con người nhận chở hàng nhưng phương tiện chuyên chở là xe đạp.
Có người, làm nghề này khi còn trai trẻ cho đến nay gần bát tuần vẫn cùng “con ngựa sắt” lo cuộc sống áo cơm ở ngôi chợ nổi tiếng nhất cố đô Huế. Cái nghề vốn vất vả, cuộc sống lại khó khăn và khi COVID-19 ập xuống cứ như bóng ma đè nặng lên đôi vai những con nguời khốn khổ ấy khiến ai gương mặt ai cũng rầu rĩ.
Ở cái thời mà xe máy, ô tô đầy đường thì ở khu chợ lâu đời và nổi tiếng nhất cố đô Huế vẫn có những người hàng ngày mưu sinh bằng chiếc xe đạp cũ rích.
Mưu sinh bằng ‘ngựa sắt’
Tôi đến chợ Đông Ba vào một buổi trưa hè nóng nực. Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch bệnh mặc dù chợ không được đông đúc như xưa nhưng lượng người ra vào vẫn tấp nập.
Trong dòng người ấy, chúng tôi ấn tượng bởi hình ảnh những người đàn ông gầy gò đang lặng lẽ dùng xe đạp chở từng chuyến hàng. Dọc tuyến đường trước và sau chợ Đông Ba không khó để gặp những người mưu sinh bằng xe đạp. Những người làm nghề này thường ví những chiếc xe của mình là “ngựa sắt”.
Ông Hoàng Đích năm nay 75 tuổi nhưng có đến gần 40 năm làm nghề xe đạp thồ chia sẻ: “Có lẽ ở thời đại này, nhiều người quen với xe máy, ô tô mà quên đi hình dáng của những chiếc đạp. Đối với nhiều người, chiếc xe đạp bây giờ chỉ là một tài sản rẻ tiền nhưng với chúng tôi nó là phương tiện để kiếm sống”.
Từ sáng sớm những người làm nghề "xe đạp thồ" điều khiển "con ngựa sắt" của mình đến chợ Đông Ba để góp nhặt từng chuyến hàng khiến từ 60 - 150 nghìn đồng/ngày để lo cho gia đình, con cái.
Hàng ngày những người làm nghề thường đạp xe hơn chục cây số từ nhà đến chợ Đông Ba. Sau đó, họ nhận chở thuê bất cứ thứ gì từ kẹo, bánh, hoa… hàng hoá cứ thế được chất đầy lên con “ngựa sắt” để chủ nhân của nó đạp hoặc đẩy đến nơi cần giao.
Ai thuê gì họ chở gì họ cũng chở, từ chở người, hàng hóa, miễn là có tiền. Với quãng đường dưới 3km mỗi chuyến họ nhận được 30-50.000 tiền công. Xa như An Cựu, Tây Lộc thì giá từ 100-150.000.
Những chiếc xe đạp để hành nghề ở đây được trang bị, thay đổi sao cho phù hợp. Có chiếc gắn thêm cái giỏ để đựng những vật dụng cần thiết, có chiếc thì gắn thêm hai cái kính để tiện quan sát đằng sau hơn...
Những người làm nghề xe đạp thồ chia sẻ, cuộc sống phát triển, những phương tiện xuất hiện ngày một nhiều thì người làm nghề này ngày càng lép vế. Những tiểu thương bây giờ họ thường thuê xe tải hay xe ba gác, xe máy để chở hàng vì chúng nhanh và tiện hơn. Đa phần những người còn làm nghề này ở chợ Đông Ba đều vì hoàn cảnh khó khăn mà cố gắng bám trụ để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống, con cái ăn học.
Nỗi lo mang tên COVID-19
TP. Huế hiện đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, do đó, hoạt động kinh doanh ở chợ Đông Ba cũng bị ảnh hưởng và những người mưu sinh ở khu chợ này trong đó có những người làm nghề xe đạp thồ cũng chịu chung số phận.
Trong khi một số người hành nghề chở hàng bằng ô tô, xe máy, xe ba gác… có nhiều cách xoay sở để vượt qua đại dịch thì người làm nghề xe đạp thồ chỉ biết ngồi lặng lẽ nơi góc chợ để góp nhặt từng chuyến hàng ít ỏi kiếm thêm vài chục nghìn lo cơm áo hàng ngày. Trên khuôn mặt của những con người gầy gò, khắc khổ ấy không giấu nổi nét rầu rĩ, suy tư và lo lắng.
Có ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh, những người làm nghề "xe đạp thồ" chẳng nhận được chuyến hàng nào và đành tay trắng trở về nhà.
Ông Phạm Tiên (57 tuổi) chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc ít, chúng tôi thường túc trực ở chợ từ sáng sớm đến khi chiều tà. Có hàng thì chở còn không thì đành ngồi nói dóc với nhau vài ba câu chuyện cho qua ngày.
Trừ khi nhà có việc hoặc đau ốm thì chúng tôi mới ở nhà, còn không, dù có mưa nắng chúng tôi vẫn đến chợ để chờ tiểu thương thuê được chuyến nào hay chuyến nấy. Là lao động chính trong nhà, cho dù có ốm cũng phải gắng gượng để cho con mình không phải thiệt thòi”.
Ông Phạm Tiên chỉ có một mong ước là luôn khoẻ để ra chợ mưu sinh kiếm tiền lo cho con cái để chúng không bị thiệt thòi so với bạn bè.
Theo lời ông Hoàng Đích thì khi chưa có dịch ngày kiếm được 100 – 150 nghìn đồng. Từ khi dịch đến nay, khách sạn, nhà hàng đóng cửa, hàng hoá từ chợ qua đó cũng ít nên một ngày chỉ được 60 nghìn đồng, có ngày còn chẳng có đồng nào.
Mưu sinh giữa đại dịch COVID-19 khó khăn là vậy nhưng những người làm nghề xe đạp thồ ở chợ Đông Ba lại giữ một nguyên tắc là họ không bao giờ tranh giành khách của nhau. Ngược lại, họ sẵn sàng san sẻ nhau từng chuyến hàng, người nào mà nay chưa có chuyến nào thì sẽ được nhường. Không chỉ thế, họ còn san sẻ nhau từng hộp cơm, chai nước khi được các nhà hảo tâm mang đến vào buổi trưa.
Những người mưu sinh bằng “ngựa sắt” ở chợ Đông Ba không mong gì hơn ngoài việc trời đừng nắng, có sức khỏe, tích góp được mớ tiền rồi sắm chiếc xe máy để chở được nhiều, được nhanh hơn. Tất cả họ đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là lo cho gia đình và để con cái họ được ăn học và không quá thiệt thòi so với chúng bạn.