Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhọc nhằn đời tuần rừng

Ẩn sâu dưới những tán rừng đại ngàn xanh thẫm ở xứ Tuyên là chuyện đời nhọc nhằn của những nhân viên tuần rừng, nhiều người đã phải bỏ việc.

Hang đá là chỗ ngủ thường xuyên của kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh

Nhân viên tuần rừng Tho Văn Nghiêm của Hạt Kiểm lâm Lâm Bình (Tuyên Quang) trĩu nặng tâm trạng chia sẻ với tôi: Đợt này nhà em bấn quá, vợ vừa thất nghiệp vì hết thời hạn hợp đồng làm giáo viên và không được nhà trường ký tiếp. Lương của em được hơn 3 triệu, mỗi lần về nhà nghĩ đến tiền mua hộp sữa làm quà cho con còn túng bấn chứ nói gì đến việc gửi tiền về đỡ đần vợ con.

Hoàn cảnh ấy khiến nhiều đêm Nghiêm một mình lang thang trong các ngõ ngách của rừng sâu như muốn nói lời chia tay với rừng rồi hôm sau lặng lẽ mang ba lô, đồ nghề quyết tâm về với vợ con ở quê nhà Chiêm Hoá. Biết tâm trạng của Nghiêm, lãnh đạt Hạt khuyên anh, nếu cố được thì nên cố, bởi anh đã cống hiến cho rừng được hơn 10 năm trời, biết đâu thời gian tới cơ chế có thay đổi.

Nghiêm đến với rừng từ năm 2012 sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Trong 10 năm ấy, rừng không cho Nghiêm có tiền để lo toan cuộc sống gia đình riêng, nhưng cho anh những kỷ niệm. Trong dòng ghi nhớ kỷ niệm về rừng, Nghiêm say sưa kể về chuyện lần đầu tiên bị lạc trong rừng.

Một ngày hè năm 2014, khi ấy là năm thứ 2 Nghiêm vào làm nhân viên tuần rừng. Trên đỉnh núi cao ở Bản Biến khi nghe đằng xa có tiếng máy cưa xăng của lâm tặc réo rắt vọng lại, Nghiêm và đồng đội chia nhau ra các hướng để tìm mục tiêu.

Nhưng tiếng máy cưa càng đi càng thấy tan loãng vào rừng xanh rồi mất hút, bốn bề chỉ thấy những con đường ngoằn nghèo như đưa Nghiêm vào trong mê cung bởi chỗ nào cũng thấy rừng, cũng thấy vách đá cheo leo càng đi càng sâu hun hút. Càng đi trời càng ngả về chiều, chiếc áo càng đẫm mồ hôi, nước mang theo nhanh chóng hết. Mệt, khát nước, chân bắt đầu run, Nghiêm lục tìm trong mỗi bụi cây ráy hoang dại hi vọng kiếm được những giọt còn đọng lại mà uống.

Nhân viên tuần rừng Tho Văn Nghiêm bên cây nghiến cổ thụ. Ảnh: Đào Thanh

Hơn 10 giờ đêm hôm ấy, Nghiêm tìm đến được ngã 3 điểm hẹn gặp các đồng đội, nếu xuống núi chẳng kịp. Nghiêm và đồng đội tìm những vách hang đá rồi tựa đầu vào nhau mà thiu thiu ngủ, mặc kệ đám ruồi, sâu bọ trườn qua người dạo chơi. Đêm hôm đấy lần đầu tiên trong đời Nghiêm ngủ lại trong rừng. Sau này khi đã có bản đồ định vị hành trình, cộng nhiều năm kinh nghiệm đi rừng, việc lạc rừng gần nhưng không xảy ra nữa nhưng số lần Nghiêm ngủ lại trong rừng nhiều vô kể.

10 năm sống với rừng Nghiêm chứng kiến khoảng 30 đồng đội của anh đến rồi đi. Có trường hợp cũng mê rừng lắm, nhưng đôi gối đặt ngày cưới chưa kịp hết thơm mùi vải mới mà chồng đã biền biệt xa nhà, cô vợ trẻ mỗi lần gọi điện cho chồng đều khóc thảm thiết bảo buồn chán, thế là cũng đành phải bỏ rừng. Có những anh vợ bảo thẳng rằng nếu không bỏ rừng thì bỏ nhau, vì muốn những đứa con có gia đình trọn vẹn nên đã chọn bỏ rừng.

Trường hợp đặc biệt nhất là nhận bảo vệ rừng hôm thứ 6, sau ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật mà chẳng thấy anh ta quay trở lại. Hỏi ra mới biết là anh ta xin nghỉ việc. Anh em trong Hạt đặt ra câu hỏi: Tại sao nghỉ sớm thế còn muốn xin vào làm gì? Anh bạn ấy hồn nhiên bảo: Xem trên tivi thời sự, trên phim thấy các anh cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng mặc đồng phục, áo mũ oai quá thì muốn lên. Nhưng đi thực tế vừa vất vả, gian khổ buồn lại chẳng nhìn thấy tương lai nên xin bỏ về nhà làm công nhân hay làm ngoài thu nhập cao lại không vất vả và buồn như thế.

Chứng kiến những đồng đội lần lượt bỏ rừng, lòng Tho Văn Nghiêm đầy lên nhiều cảm xúc, không ít lần anh có ý định muốn bỏ rừng.

Những cơn “mưa đá” vỡ đầu, gẫy chân

Một bữa ăn của cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở Lâm Bình. Ảnh: Tho Nghiêm

Một buổi chiều cuối mùa thu năm 2014, bóng chiều đổ dài trên các ngọn núi, mỗi nếp nhà bắt đầu sáng ánh đèn. Nghiêm và đồng đội nhận được chỉ đạo của cấp trên rằng đêm nay trong khu rừng Bản Biến các đối tượng sẽ hành động.

Biết trước cuộc phục kích có thể kéo dài thâu đêm, các anh em trong chốt chia nhau ra làm 3 ca mỗi ca 2 người đi tuần rừng tại điểm khả nghi. Nghiêm và nhân viên tuần rừng Nông Khánh Vinh được phân công về 1 đội. Lúc ấy trời đã khuya, rừng chỉ còn bóng tối và tiếng côn trùng kêu rả rích, bỗng có tiếng động từ đằng xa. Đó là tiếng của đám lâm tặc vận chuyển thớt gỗ nghiến. Trong bóng tối đen đặc, ánh đèn pin mờ ảo giúp Nghiêm phát hiện có 2 bóng người.

Đột ngột từ phía đám lâm tặc ồ ạt từng viên đá bằng nắm tay lao tới tấp về phía Nghiêm và đồng đội. Tiếng kêu thất thanh trong đau đớn của nhân viên tuần rừng Nông Khánh Vinh. Một hòn đá của đám lâm tặc ném thẳng vào mặt anh. Trong tình thế ấy, Nghiêm chỉ kịp soi thẳng đèn pin vào mặt tên lâm tặc để nhận dạng rồi vội vã lao về phía anh Vinh và gọi người đến trợ giúp.

Nhân viên tuần rừng Nông Khánh Vinh phải nhập viện cấp cứu và điều trị mất hơn 1 tuần, rất may vết thương không ảnh hưởng đến não. Cũng sau đó không lâu, lực lượng chức năng đã tìm ra 2 tên lâm tặc hung hãn ấy.

Phút nghỉ ngơi bên rừng. Ảnh: NVCC.

Nghiêm chia sẻ rằng, mình và nhân viên tuần rừng Nông Khánh Vinh có nhiều điểm chung là cùng nhận nhiệm vụ tuần rừng trong một ngày; cùng 2 lần thi tuyển kiểm lâm viên không đỗ; cùng nhiều lần muốn bỏ rừng nhưng chưa thể bỏ được. Nhưng lo ngại nhất là các anh kiểm lâm viên còn được trang bị công cụ hỗ trợ là súng, gậy cao su còn nhân viên tuần rừng thì gần như tay không bắt lâm tặc.

Cũng trong năm 2014, tại chốt kiểm lâm Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá (nay là huyện Lâm Bình) kiểm lâm viên Đoàn Công Tú bị lâm tặc ném đá gẫy chân khi thực hiện nhiệm vụ tịch thu tang vật của đám lâm tặc phá rừng.

Tổ công tác hôm ấy có 4 anh em, một người làm nhiệm vụ vác đồ nghề tang vật của lâm tặc để lại, 3 người còn lại thay nhau cõng kiểm lâm viên Đoàn Công Tú ra khỏi rừng. Hơn 1 giờ mới ra đến đường rồi dùng xe máy đưa Tú đến bệnh viên điều trị. Thật đáng tiếc khi lần ấy không tìm ra được manh mối của đám lâm tặc gây án.

Nằm lại Tham Đét

Trong chuyến lên rừng lần này, tôi tìm gặp được Lý Văn Luân, kiểm lâm viên còn sống sót sau trận mưa dông sạt núi, đổ rừng diễn ra ngày 8/4/2019.

Ngọn núi nơi có chốt kiểm lâm Tham Đét hôm nay vẫn một màu xanh thẫm hắt sững sững từ chân lên tới đỉnh. Ngọn núi chôn trọn kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của kiểm lâm viên Lý Văn Luân.

Một gốc cây cổ thụ trong khu rừng ở Na Hang, Lâm Bình. Ảnh: Tho Nghiêm

Chốt kiểm lâm Tham Đét, thuộc xã Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có 2 kiểm lâm viên và 2 nhân viên tuần rừng. Họ cùng nhau thực hiện quản lý, bảo vệ hơn 11.000ha rừng.

Điểm chốt có nhân viên tuần rừng Lý Càn Hai. Tuổi ngoài đôi mươi, sau khi tốt nghiệp Trung cấp lâm nghiệp, chàng trai trẻ người Dao quê ở xã Đà Vị, huyện Na Hang tình nguyện mang tuổi thanh xuân của mình đến với rừng và được giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ kiểm lâm tại chốt bảo vệ gần 2.000ha rừng. Nhận lương tháng chưa đầy 3 triệu, Hai hứa với mẹ, sẽ tích cóp tiền để cất lại mái nhà bị dột. Vì trên rừng không tiêu đến tiền, gạo nhà mang đi, rau rừng thì nhiều vô kể.

Mưa bọc kín bốn bề núi, mưa xối xả kèm theo gió lốc thổi từng hồi chẳng thể nào ngớt, cây rừng đổ ngổn ngang. Căn lều tạm tại chốt kiểm lâm Tham Đét rung lên bần bật theo từng cơn gió rít cũng bị đổ sập hoàn toàn. Trong lều khi ấy có Lý Càn Hai và kiểm lâm viên Lý Văn Luân. Cơn dông ngớt, Luân như chết lặng khi tìm thấy Lý Càn Hai nằm dưới đống đổ nát, mặt tái nhợt, người bê bết máu. Xốc vội Hai lên lưng, anh vừa chạy vừa gào thét hi vọng có người trợ giúp nhưng bất lực. Trạm y tế quá xa còn tiếng gào thét của anh cứ văng vẳng rồi tan loãng vào đêm dông.

Một góc rừng trên vùng hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình               Ảnh: Đào Thanh

Nhân viên tuần rừng Lý Càn Hai qua đời ở tuổi 30, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới bi bô tập nói. Lời hứa cất lại mái nhà cho mẹ của anh vẫn còn dang dở.

Suốt những đêm sau đó nước mắt Lý Văn Luân ướt đầm bởi thương nhớ người anh, người đồng nghiệp của mình. Cả quãng thời gian dài Luân cứ bần thần như người mất hồn. Sau đó, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Na Hang đã quyết định cho anh chuyển công tác về xã Thượng Nông với mong muốn giúp Luân vơi đi nỗi ám ảnh đau lòng và tìm lại trạng thái cân bằng để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, chỉ tính từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh có 27 nhân viên tuần rừng bỏ việc, trong đó có những trường hợp đã gắn bó với rừng hơn 10 năm. Phần lớn là do thu nhập quá thấp, không đảm bảo đời sống, trong khi đó công việc giữ rừng khó khăn vất vả, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin mới