Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhổ 'cỏ dại tham nhũng' song phải kịp thời trồng cây, trồng lúa tốt tươi

(VTC News) -

Bên cạnh việc xử lý nghiêm người mất uy tín, bản chất tham lam thì cần nương nhẹ, bảo vệ những người tốt, người có uy tín nhưng do sơ suất dẫn đến những sai trái.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, cùng với tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo, đảm bảo có quy định hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.

“Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm; còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ bị tâm lý lo sợ rủi ro, không dám năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Trí cho biết.

Vì vậy, ông kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương xem xét, giao Quốc hội, Chính phủ rà soát, kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết, nhằm đảm bảo hai yêu cầu kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro, tạo động lực phát triển.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.

Tâm lý sợ trách nhiệm

Đề xuất của ông Lê Minh Trí không phải là không có căn cứ, bởi thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, hiện đang nổi lên một “căn bệnh” tuy chưa phổ biến, nhưng rất đáng lưu ý, đó là bệnh “sợ trách nhiệm” trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Có ý kiến cho rằng, tâm lý một số cán bộ bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không? Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm.

Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm nên trông chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trong khi người có thẩm quyền quyết định lại không dám tin cấp dưới.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là do quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Vì vậy, có ý kiến đề nghị sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn; đồng thời cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân; luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Luật hóa để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, trong quá trình giám sát, kiểm tra, bên cạnh việc phát hiện cái sai, điểm chưa hoàn thiện của chủ trương, chính sách để bịt các lỗ hổng thì cần phát hiện những nhân tố có những việc làm tốt, tích cực, sáng tạo mang lại lợi ích chung.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

“Thực tiễn luôn luôn đi trước, pháp luật luôn đi sau. Có những việc với vai trò “xé rào” nhưng mang lại lợi ích công thì cần có một quy định để thúc đẩy quá trình phát triển”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Trong quá trình kiểm tra, bên cạnh việc xử lý nghiêm người nào “mất uy tín”, bản chất tham lam, theo Bộ trưởng trưởng Bộ Tài chính, cần nương nhẹ, bảo vệ những người tốt, người có uy tín nhưng do sơ suất, thiếu hiểu biết trong công việc dẫn đến những sai trái, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ có cơ hội khắc phục hậu quả.

Trong xử lý trách nhiệm cán bộ, cần xem xét cho phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử ra đời của chủ trương chính trị với pháp luật, giữa pháp luật với thực tiễn, giữa đạo lý và pháp lý. Đồng thời phát triển những nhân tố tích cực, biểu dương người tốt, việc tốt.

“Chống tham nhũng, tiêu cực giống như việc diệt cỏ dại, nếu nhổ lớp cỏ dại này đi mà không trồng lúa, trồng cây ăn quả vào thì cây cỏ khác sẽ mọc lên, sẽ lấn chiếm đi. Cho nên, sau khi nhổ cỏ, chúng ta phải trồng lúa, có nghĩa là phát hiện, phát triển những nhân tố tốt lên, đồng thời thanh tra, kiểm tra thường xuyên, những vi phạm đến mức xử lý thì phải xử lý”, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích.

Nhấn mạnh quan điểm cho rằng cần luật hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Lê Việt Trường – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, nguyên tắc cao nhất và cũng là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN là mọi việc phải quy định bằng luật, pháp luật phải là tối thượng.

“Chủ trương của Đảng là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì cũng cần có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ. Ví như có một đoạn đường bị ngập nước, người dân muốn đi qua đó mà không bị ngập thì chúng ta phải cắm hệ thống phao tiêu, biển báo để mọi ngươi biết chỗ nào đi được, lội được và chỗ nào không được”, ông Lê Việt Trường lấy ví dụ, đồng thời nhấn mạnh việc luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 sẽ tạo cơ sở chính trị và và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, cán bộ được giao đứng đầu một ngành, tổ chức nào đó thì khi đọc Luật họ sẽ biết nhiệm vụ, quyền hạn của họ được làm gì, làm thế nào và làm đến đâu, đặc biệt là tài chính cần phải có quy định định mức từ nội dung chi, định mức chi, thẩm quyền quyết định. Ngay việc “dám làm” cũng phải nằm trong khuôn khổ quy định của Nhà nước. Bởi người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ Nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.

Trong Quy định 69 của Bộ Chính trị mới ban hành có một điểm đáng lưu ý là: Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Đánh giá cao quy định mới của Đảng sẽ là cơ sở chính trị khuyến khích, bảo vệ cán bộ, song ông Lê Việt Trường cho rằng, khi xem xét xử lý cán bộ dưới góc độ Nhà nước vẫn cần phải có quy định của pháp luật, nếu không thì đây sẽ là một “khoảng trống” và không thể xử lý được.

Kim Anh (VOV.VN)

Tin mới