Cụ thể, phiên đấu thầu tiếp theo sẽ được diễn ra vào 9h30 sáng thứ Ba (14/5). Trong đó, Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại phiên đấu thầu liền trước đó.
Đây là lần thứ hai khối lượng vàng tối thiểu được thay đổi. Trước đó, NHNN quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu là 14 lô (tương đương 1.4000 lượng vàng). Giới chuyên gia nhận định đây là điều kiện cản trở các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia dự thầu. Sau nhiều lần không thể tổ chức đấu thầu do không đủ số lượng đơn vị tham gia, NHNN đã giảm số lô tối thiểu xuống còn 7 lô và đã đấu thầu thành công.
Vào phiên đấu thầu ngày mai, với việc giảm khối lượng tối thiểu xuống còn 5 lô, các chuyên gia cho rằng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu vàng hơn nữa.
Cùng với sự thay đổi về khối lượng tối thiểu, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu cũng được tăng lên 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc cho phiên thầu sáng mai là là 88 triệu đồng/lượng. Mức giá tham chiếu này cao hơn 2,7 triệu đồng so với giá tham chiếu của phiên đấu thầu gần nhất diễn ra sáng 8/5.
Tiếp tục đấu thầu vàng miếng vào sáng 14/5. (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)
Thành viên tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu).
Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng SJC gần nhất diễn ra sáng 8/5 (cũng là phiên thứ hai đấu thầu thành công) với 3 thành viên trúng thầu, tồng khối lượng trúng thầu 34 lô (3.400 lượng). Giá đấu trúng thầu duy nhất trong phiên này là 86.050.000 đồng/lượng.
Sau hai phiên đấu thầu thành công, đã có 6.800 lượng vàng miếng SJC được cung ứng ra thị trường thông qua hình thức đấu thầu.