Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NHNN lý giải nguyên nhân không 'chạy đua' giải ngân gấp gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh không "chạy đua" giải ngân cho hết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vì đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Cam kết giải ngân khoảng 7.000 tỷ đồng

Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

"Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Thông tin về kết quả triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hiện có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án. Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TPHCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng. Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chương trình giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc chính. Cụ thể, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Đến nay, mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.

Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất …

"Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án", Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc cho biết thêm, chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế triển khai. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới