Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhìn lại kỳ Xuân Vận 'buồn tẻ' nhất của Trung Quốc

(VTC News) -

Xuân Vận ở Trung Quốc được coi là "cuộc di cư hàng năm lớn nhất" của con người trên thế giới, từng có lúc trải qua giai đoạn ảm đạm, buồn tẻ.

Xuân Vận là khoảng thời gian cao điểm đi lại vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, thường bắt đầu 15 ngày trước Tết và kéo dài trong khoảng 40 ngày. Hành trình này được gọi là "cuộc di cư hàng năm lớn nhất" của con người trên thế giới.

Xuân Vận ở Trung Quốc được biết đến là "cuộc di cư hàng năm lớn nhất" của con người trên thế giới. (Ảnh: CNN)

Khái niệm Xuân Vận được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1980 khi Trung Quốc đang trong quá trình cải cách mở cửa. Thời điểm đó, chính sách cải cách đã tạo ra luồng di cư khổng lồ từ vùng nông thôn đến các thành phố lớn để làm việc, sinh sống và học tập.

Cứ mỗi lần đến Tết Nguyên Đán, người người nhà nhà lại về quê để sum họp gia đình, từ đây đã hình thành nên khái niệm Xuân Vận và trở thành bức tranh thu nhỏ hoàn hảo cho quá trình phát triển của nền kinh tế đất nước đông dân này.

Năm 1984, Xuân Vận trở thành cuộc di cư lớn nhất lịch sử khi lượng khách di chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không và các phương tiện khác tăng vọt lên 500 triệu lượt người.

Từ đó, lượt người di chuyển trong kỳ Xuân Vận tăng đều qua các năm. Con số này lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ vào năm 1994, đạt 2 tỷ vào năm 2006 và 3 tỷ vào năm 2019.

Xuân Vận năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 4,733 tỷ lượt người di chuyển. Bộ Giao thông vận tải nước này dự kiến sẽ có khoảng 9 tỷ lượt người di chuyển trong thời gian Xuân Vận 2024.

Kỳ Xuân Vận 'buồn tẻ' nhất

Kể từ khi khái niệm Xuân Vận được hình thành cho đến nay, không phải năm nào người Trung Quốc cũng được chứng kiến cảnh tượng hối hả, chen chúc di chuyển trong dịp này.

Khung cảnh vắng khách hiếm thấy ở Sân bay Quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải tại thành phố Thượng Hải, trong dịp Xuân Vận tháng 1/2021. (Ảnh: Reuters)

Xuân Vận 2021 là năm đầu tiên Trung Quốc phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, cũng được xem là kỳ Xuân Vận 'buồn tẻ' nhất khi chỉ ghi nhận 870 triệu chuyến đi, giảm 40,8% so với năm 2020 và 70,9% so với năm 2019.

Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, ngay từ cuối năm 2020, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đua nhau đưa ra những chính sách hay thậm chí ban hành quy định nhằm giữ chân người lao động ở lại thành phố.

Chính quyền Bắc Kinh ra thông báo khuyến cáo người dân không nên rời khỏi thành phố nếu không có việc cần thiết, nhấn mạnh cán bộ nhân viên cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đi đầu thực hiện đón Tết ở Bắc Kinh.

Một hành khách trang bị đồ bảo hộ kỹ càng tại ga tàu Hồng Kiều ở thành phố Thượng Hải trong kỳ Xuân Vận 2021. (Ảnh: Baidu) 

Thành phố Thâm Quyến cũng ra thông báo công chức, đơn vị sự nghiệp, nhân viên doanh nghiệp nhà nước phải xin phép nếu muốn rời khỏi thành phố. Các công ty tư nhân cũng được yêu cầu cố gắng bố trí cho nhân viên về quê tránh đợt cao điểm, khuyến khích đón Tết tại chỗ.

An Huy, tỉnh đông thứ 8 về số dân ở Trung Quốc, gửi thư cho những người xa quê, trong đó có đoạn: "Quyết tâm không về quê khi không thật sự cần thiết. Kiến nghị thông báo cho người nhà làm việc xa quê ở lại thành phố đón tết, có thể đón tết trực tuyến, chúc tết qua điện thoại...".

Nhiều tỉnh thành khác như Thượng Hải, Vũ Hán, Hà Bắc, Hồ Bắc đều có hành động tương tự nhằm khuyến khích người dân không về quê ăn Tết.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng siết chặt quy định phòng dịch khi tới nhà ga, bến xe, sân bay như đeo khẩu trang liên tục, sát khuẩn, giữ an toàn khoảng cách, đồng thời yêu cầu cách ly và thực hiện xét nghiệm COVID-19 nghiêm ngặt đối với người dân từ nơi khác trước khi được trở về nhà.

Chính những quy định chặt chẽ này cùng nỗi lo dịch bệnh khiến người dân các thành phố ngại trở về quê. Không khí tại các sân bay, ga tàu và bến xe đều ảm đạm vì vắng khách, điều vốn hiếm khi xảy ra trong các kỳ Xuân Vận ở Trung Quốc.

Quang cảnh ga đường sắt Tây Bắc Kinh trong ngày đầu của kỳ Xuân Vận năm 2021. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)

'Chiêu trò' giữ chân người lao động

Những chính sách và lời kêu gọi không về quê ăn tết vấp phải không ít sự phản đối của người dân Trung Quốc khi đó. Có ý kiến cho rằng họ là con một hay người thân ở quê một mình, tết không thể không về, dù đi bộ cũng phải về chỉ cần chú ý phòng chống dịch là được.

Có người đưa ra lý lẽ rằng lễ Quốc khánh vừa qua (1/10) cũng có hàng trăm triệu người di chuyển có sao đâu, tại sao tết lại không thể về nhà.

Thời điểm đó, Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-COVID-19 nghiêm ngặt, trong bối cảnh vaccine phòng bệnh chưa phổ biến và điều kiện thời tiết lạnh giá nên dịch bệnh rất dễ lây lan.

Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại cổng ga tàu Vạn Châu Bắc ở thành phố Trùng Khánh, tháng 1/2021. (Ảnh: HK01)

Để khuyến khích cũng như xua tan sự căng thẳng, rất nhiều thành phố đã tăng cường các chương trình truyền hình trực tuyến, mở rộng các kênh giải trí trên nền tảng trực tuyến miễn phí, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp Internet miễn phí, thậm chí còn lì xì tại chỗ cho những ai ở lại.

Chính quyền nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc như Sơn Đông, Giang Tây, Quảng Đông còn vận động các thành phần trong xã hội để tặng phiếu mua hàng, miễn phí vé vào cổng ở những khu vui chơi giải trí cho công nhân, người lao động ở lại nơi làm việc đón Tết.

Tại thành phố Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông, tổng cộng 10 triệu nhân dân tệ tiền mặt (hơn 34 tỷ đồng), 100.000 vé tham quan, 10.000 vé xem phim và hơn 10.000 gói quà được phát cho lao động ngoại tỉnh để họ yên tâm ở lại địa phương trong dịp Tết năm này.

Công nhân làm việc xuyên Tết tại một nhà máy ở huyện Nhân Thọ, tỉnh Tứ Xuyên, năm 2021. (Ảnh: Sina)

Thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, chính quyền cam kết hỗ trợ cho mỗi lao động ngoại tỉnh 1.000 nhân dân tệ (hơn 3,4 triệu đồng) nếu quyết định ở lại.

Nhiều doanh nghiệp ở thủ phủ công nghiệp chuyên làm xuất khẩu như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang tặng cho công nhân khoảng 500 nhân dân tệ/người (hơn 1,7 triệu đồng), trả lương gấp đôi ngày thường nếu họ đăng ký làm việc trong các ngày Tết và hỗ trợ hoặc giảm tiền thuê nhà...

Nhiều người bày tỏ ủng hộ chính sách đón tết tại địa phương. Họ mong mọi người đừng quên ký ức Vũ Hán (được cho là nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 trên thế giới vào cuối năm 2019, đầu năm 2020), nếu dịch bệnh lại bùng phát có hối hận cũng không kịp. Có người khi đó chia sẻ rằng chỉ cần nghĩ đến việc trong hành trình Xuân Vận xuất hiện một hai ca dương tính thôi cũng đã thấy sợ rồi.

Hoa Vũ (Tổng hợp)

Tin mới