Theo ông Sơn, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đưa ra điều chỉnh về sàng lọc trước khi tiêm vaccine COVID-19, trong đó có việc bỏ bớt hoạt động đo huyết áp cho người dân.
“Điều chỉnh này sẽ giúp làm tối giản thủ tục, tăng tốc độ tiêm nhanh nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo an toàn tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và những người có tiền sử bị huyếp áp cao thì vẫn phải được kiểm tra huyết áp trước khi tiêm”, ông Sơn nói.
Với những đối tượng khác, ông Sơn cho biết người dân có thể tự kiểm tra, nếu khẳng định không tiền căn cao huyết áp thì có thể tiêm ngay.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, điều chỉnh lần này dự kiến chỉ số huyết áp vẫn giữ nguyên theo hướng dẫn trước là Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế).
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm bớt hoạt động đo huyết áp trước khi tiêm chủng vaccine COVID-19. Bởi đo huyết áp làm chậm tiến độ và làm mất cơ hội tiêm của người do tâm lý người được đo quá căng thẳng, lo lắng khiến huyết áp tăng cao hơn so với bình thường.
Theo một chuyên gia, hiện không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vaccine COVID-19, cũng không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Nhưng để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp người tiêm nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).