Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều trường sư phạm bị nợ kinh phí đào tạo, Bộ GD&ĐT lên tiếng

(VTC News) -

Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng việc một số trường đại học sư phạm ở địa phương thắc mắc về kinh phí đào tạo sinh viên đang bị chậm chi trả.

TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, với các trường đại học, cao đẳng sư phạm cấp trung ương, số tiền để chi trả học phí và sinh hoạt phí của sinh viên sư phạm được ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp. Còn một số trường sư phạm cấp địa phương thì đang gặp khó khăn trong khâu giải quyết kinh phí từ ngân sách.

Cụ thể, năm 2021, khi bắt đầu triển khai Nghị định 116, đến nay chuẩn bị bước vào năm học thứ 3, trường Đại học Thủ đô Hà Nội chưa được nhận kinh phí để chi trả cho sinh viên.

Vướng mắc trong giải quyết kinh phí đào tạo sư phạm theo Nghị định 116.

Khó khăn này trường nhiều lần kiến nghị, nhưng Bộ GD&ĐT cho biết ngân sách do địa phương trả. Trong khi đó, địa phương lại khẳng định không đặt hàng nên không có nguồn kinh phí ngân sách cấp cho trường này. Hiện trường gặp nhiều khó khăn.

Năm học 2021 - 2022, hơn 500 sinh viên trường Đại học Thủ đô có nhu cầu và làm đơn đề nghị hưởng cũng như cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến nhà trường. Hết năm học, những sinh viên này vẫn không nhận được khoản chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116 quy định.

Ông La Thanh Hùng, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Sài Gòn cũng thông tin, hiện đang chậm chi trả hai khoản hỗ trợ cho sinh viên ngành sư phạm là do các tỉnh, thành chưa hoàn thành hợp đồng đặt hàng đào tạo với trường. Do đó, trước mắt, sinh viên gặp khó khăn khi tạm ứng học phí cần làm đơn theo hướng dẫn của trường để được xem xét hỗ trợ. Riêng khoản trợ cấp sinh hoạt, trường phải chờ giải ngân từ các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Nghị định 116 quy định rõ, các trường đại học, cao đẳng sư phạm địa phương thuộc sự quản lý của tỉnh, thành phố chi trả kinh phí. Đồng thời, Luật Ngân sách không cho phép ngân sách trung ương cấp trực tiếp về các trường đại học, cao đẳng địa phương.

Thành phố Hà Nội cần có trách nhiệm chi trả kinh phí này cho trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Bộ GD&ĐT nhiều lần gửi văn bản sang UBND thành phố Hà Nội về vấn đề này. Rút kinh nghiệm sự việc này, Thứ trưởng Sơn cho biết, năm nay, địa phương nào không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì Bộ GD&ĐT sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó. Đây là vấn đề trách nhiệm của cả hai phía địa phương và nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ, từ 2022, Bộ GD&ĐT chính thức giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu của địa phương. Do vậy, nếu địa phương nào không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho trường đại học, cao đẳng sư phạm của địa phương.

Chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được quy định tại Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học. Kinh phí này từ nguồn ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ, ngành, không phải do trường đại học chi trả.

Hà Cường

Tin mới