Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành mầm non năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 16/3, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, các trường rất muốn nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT để có tính phân hoá tốt hơn.
Ông lấy ví dụ như đề thi năm 2017 và 2018 tính phân hóa tốt, phù hợp cho các trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Còn hai năm 2020 và 2021 phân hoá chưa cao, khiến nhiều trường khó khăn trong xét tuyển, điểm đầu vào nhiều ngành học bị đẩy lên cao.
"Tôi mong Bộ GD&ĐT xây dựng đề thi THPT đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp nhưng cũng giúp phân loại thí sinh tốt hơn", ông Đức nói.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)
PGS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP.HCM cũng muốn Bộ GD&ĐT ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa để các trường top trên có thể tận dụng kỳ thi này khi tuyển đầu vào.
Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt như ảnh hưởng của COVID-19 ba năm gần đây, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng gây khó khăn cho cả nhà trường và thí sinh. Vì vậy, nhiều trường vẫn trông cậy vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, năm nay trường xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là cách thức chính để xét tuyển (chiếm khoảng hơn 50% tổng chỉ tiêu). "Đại học Y Hà Nội mong Bộ GD&ĐT tiếp tục thể hiện vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi. Đây là hai khâu quyết định kết quả thi có đảm bảo độ tin cậy và phân loại thí sinh được không để giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả thi vào tuyển sinh", ông Tú nói.
6 điểm mới trong tuyển sinh 2022
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như các năm vừa qua. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho thí sinh, Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số điểm.
Thứ nhất, các thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức trực tuyến, không chỉ tại cổng thông tin của Bộ GD&ĐT mà còn tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Trừ những trường hợp đặc biệt, thí sinh có thể đăng ký trên giấy như các năm trước, nhưng chủ trương là ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT dự kiến chỉ mở cổng tuyển sinh một lần, trong khoảng thời gian nhất định (3 - 4 tuần) sau khi các em thi tốt nghiệp THPT lúc biết điểm thi. Các em được điều chỉnh nguyện vọng thoải mái trong thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển.
"Bộ GD&ĐT thay đổi như vậy vì sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, học sinh biết khả năng của mình đến đâu để cân nhắc đăng ký nguyện vọng. Với thay đổi trên, các em không mất quyền lợi và Bộ cũng không phải lo lắng thiết kế việc điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh", GS Thuỷ nói và cho biết Bộ sẽ thông báo thời điểm đóng cổng, các em lưu ý thời điểm này để chốt việc đăng ký nguyện vọng, vì sau khi đóng cổng sẽ không thay đổi được nữa.
Thứ ba, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Thứ tư, với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Thứ năm, các Sở GD&ĐT cần cập nhật kết quả học tập của thí sinh (năm lớp 10, 11, 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
Thứ sáu, Bộ dự kiến sẽ yêu cầu các trường đại học phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các trường trong quá trình tuyển sinh.