Hàng loạt trường đại học như Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Việt Đức… đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023.
Phương thức tuyển sinh mà các trường đưa ra đều ổn định như năm ngoái, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng…
Phương thức tuyển sinh mà các trường đưa ra đều ổn định như năm ngoái. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường rà soát và lựa chọn các tiêu chí và đối tượng xét tuyển phù hợp và phổ biến đối với đại đa số thí sinh, nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh khi ứng tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo của trường.
Dự kiến năm tuyển sinh 2023, trường có thêm tiêu chí xét tuyển thí sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ VSTEP của 1 trong 25 đơn vị đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này.
Điểm thay đổi rõ nét trong dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 của một số trường đó là điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức theo hướng giảm dần tỷ lệ tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cụ thể, trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT còn 25% chỉ tiêu, thấp hơn 10% so với năm ngoái; Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức lên khoảng 20% đến 30% tùy ngành; Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến dành 65% chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi năm 2022 trường dành 72% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này.
Theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 giữ ổn định với 6 phương thức xét tuyển như năm ngoái. Điểm mới là nhà trường sẽ tuyển một ngành mới là ngành Kinh tế chính trị, với tên chương trình là chương trình kinh tế chính trị quốc tế. Nhà trường sẽ bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành mới. Do vậy tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường sẽ tăng từ 4.050 năm 2022 lên 4100 năm 2023.
Một số trường dự kiến sẽ tổ chức xét tuyển theo các phương thức không sử dụng điểm thi bắt đầu từ tháng 5/2023.