Ông Gạc Giang Hội, Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Hà Giang cho biết, hiện sinh viên trúng tuyển vào trường đợt 1 vẫn đang trong quá trình xác nhận nhập học. Thực hiện đúng quy định của Bộ GDĐT, sau ngày 15/10, trường mới thông báo tuyển bổ sung đợt 1. Nếu số lượng sinh viên trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học 100%, thì dự kiến trường vẫn phải tuyển thêm “non nửa” số chỉ tiêu, tương ứng khoảng hơn 20 em.
Năm 2020, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo 50 sinh viên ngành Cao đẳng mầm non, nhưng đến nay dự kiến mới tuyển được khoảng một nửa số chỉ tiêu.
Điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của trường là 16.5 điểm, bằng với điểm sàn quy định với ngành sư phạm của Bộ GDĐT.
Trước đó, năm 2019, trường được giao 72 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 14 -15 sinh viên.
“Dù số lượng sinh viên trúng tuyển rất ít, trường đã thông báo tuyển thêm, nhưng năm ngoái vẫn không có em nào đăng ký bổ sung. Năm nay, số lượng sinh viên đăng ký xét tuyển vào trường có chiều hướng tăng lên. Trường vẫn đang chờ các em trúng tuyển xác nhận nhập học”, ông Gạc Giang Hội nói.
(Ảnh minh họa)
Cũng theo ông Hội, những năm trước, dù số lượng sinh viên không nhiều, nhưng trường vẫn phải mở lớp đào tạo, do nhu cầu thực tế của tỉnh Hà Giang đang thiếu giáo viên mầm non.
Dự kiến điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung cũng sẽ không có nhiều thay đổi so với điểm chuẩn lần 1.
“Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng sư phạm phải có học lực từ loại khá trở lên, kèm theo đạt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của Bộ. Điều này rất khó với các em học sinh vùng cao. Do đó những năm gần đây, nguồn tuyển của trường bị thu hẹp lại, nhưng chất lượng đầu vào cũng được cải thiện”, ông Gạc Giang Hội cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng ĐH Sao Đỏ (Hải Dương) cũng cho biết, trường đang trong quá trình xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Sau ngày 10/10, trường sẽ thống kê tỷ lệ sinh viên nhập học để thông báo chính xác con số tuyển bổ sung trong đợt tiếp theo.
Tuy nhiên, khi chưa có số liệu chính xác, dựa vào kết quả lọc ảo ban đầu của Bộ GDĐT, dự kiến trường cũng sẽ phải tuyển bổ sung một số lượng nhất định cho các ngành như Việt Nam học, Hướng dẫn du lịch, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thực phẩm...
“Những ngành về kỹ thuật trường cơ bản tuyển đủ, nhưng những ngành trên dự kiến sẽ phải tuyển thêm khá nhiều”, bà Nguyên cho biết.
Phó Hiệu trưởng ĐH Sao Đỏ (Hải Dương) cho biết, là một trường đại học “vùng” tại địa phương, trường gặp khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ tâm lý ‘chuộng” đi học tại các thành phố lớn, Thủ đô, thay vì học ngay tại địa phương.
“Nhiều em còn nặng tâm lý nhất định phải lên Hà Nội học. Thêm vào đó, hiện nay thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường được tự chủ tuyển sinh bằng nhiều cách, thí sinh có nhiều lựa chọn khác nhau, nên việc cạnh tranh để tuyển sinh ở các trường địa phương còn rất vất vả. Dù nhiều ngành có cơ hội việc làm ngay tại địa phương rất hấp dẫn nhưng các em vẫn chưa thực sự có hứng thú”, bà Nguyên cho hay.
Bà Tống Thị Hồng Thắm, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) cho biết, hiện tại trường cũng chưa chốt số lượng tuyển bổ sung. Giả sử 100% thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học, thì trường vẫn phải tuyển thêm khoảng 30% chỉ tiêu cho ngành Y đa khoa, các chuyên ngành nhóm kinh tế.
Cũng theo bà Thắm, năm nay, trường đa dạng các hình thức tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ, nhưng vẫn chưa tuyển đủ trong đợt đầu tiên.
“Vì là trường tư thục, nên chúng tôi thường là sự lựa chọn sau của thí sinh khi đã trượt các trường công lập. Đây cũng là một trong những rào cản trong công tác tuyển sinh của trường. Bao giờ các em cũng muốn được học trường công hơn trường tư”, bà Thắm chia sẻ.
Để thu hút thêm thí sinh, ngoài đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Võ Trường Toản đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ sở thực hành, liên kết với các bệnh viện để tạo môi trường thực hành cho sinh viên, nhất là sinh viên Y khoa.
Tính đến hết ngày 9/10, cả nước đã có một số trường đại học công bố chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung. ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM thông báo tuyển bổ sung 14 ngành với chỉ tiêu 756 em.
Học viện Quản lý giáo dục cũng thông báo tuyển bổ sung các ngành Quản lý giáo dục, Tâm lý giáo dục, Công nghệ thông tin, Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ Anh, Giáo dục học, Kinh tế giáo dục,
Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM đang xét tuyển bổ sung 29 ngành chương trình đại trà và 9 ngành chương trình chất lượng cao, trường nhận hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ đến 17h ngày 10/10/2020.
Các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH An Giang, ĐH Nông lâm, ĐH Tôn Đức Thắng... cũng vừa ra thông báo xét tuyển bổ sung số lượng lớn chỉ tiêu.
Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, kết quả xét tuyển đợt 1 (còn tùy thuộc vào tình hình nhập học chính thức của thí sinh), sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị, chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh.
Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường, chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non, có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15/10/2020 cho đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 28/2/2021.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường thông tin xét tuyển bổ sung phải đảm bảo đúng quy định hiện hành, công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội. Trong đó, phải công khai đầy đủ các thông tin về thời hạn và điểm nhận hồ sơ. Riêng điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trung tuyển đợt 1.
Cơ sở đào tạo chỉ được thực hiện xét tuyển sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhằm đảm bảo công bằng, lấy kết quả từ cao xuống thấp và không vượt quá chỉ tiêu đã xác định.
Thông tin xét tuyển bổ sung, các cơ sở đào tạo phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo; đồng thời, gửi về Bộ GDĐT để phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.