Chị Trần Thị Hằng có con đang học mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, 3 ngày trước con chị sốt cao liên tục kèm chán ăn, quấy khóc, hạ sốt được vài giờ lại tái phát. Sau nhiều ngày dùng thuốc không hiệu quả, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm máu, chụp chiếu, cho kết quả dương tính với cúm A.
Tại lớp con trai chị Hằng, 3 bạn khác cũng xuất hiện triệu chứng ho, sốt nhiều ngày và được xác định dương tính với loại cúm này.
Không chỉ các em bé, nhiều người trưởng thành cũng xác định nhiễm cúm A. Gia đình anh Trịnh Xuân Quỳnh (24 tuổi, sống tại quận Long Biên) có 6 người thì tới 4 người bị cúm A. Anh là người đầu tiên nhiễm bệnh, ban đầu anh biểu hiện sốt nhẹ, sau đó vài tiếng cơn sốt tăng lên, có lúc gần 40 độ C, kèm đau mỏi người, chán ăn.
Anh Quỳnh sốt li bì 3 ngày không dứt. Mẹ anh cùng hai cháu nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi sau đấy cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Cả nhà đều nhập viện vì cúm A.
Sốt cao không hạ là một trong những triệu chứng của cúm A. (Ảnh minh hoạ)
Triệu chứng cúm A
Theo PGS.TS.BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cúm A thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Người bệnh thường biểu hiện sốt; đau cơ, mệt mỏi; viêm long đường hô hấp, đau họng, có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy).
Đặc biệt ở trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa miễn dịch kém có thể xuất hiện biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi.
Một số triệu chứng của cúm A khiến người mắc nhầm lẫn với các chủng cúm khác hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên nếu xuất hiện đột ngột các triệu chứng như đau họng, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể thì thường là dấu hiệu nhận biết rõ nhất của cúm A.
Phần lớn các trường hợp mắc cúm A không cần điều trị có thể tự khỏi. Với trường hợp sốt cao liên tục nhiều ngày không hạ, kèm chán ăn, nôn mửa nên đến cơ sở ý tế để thăm khám. “Nhóm dễ mắc cúm A hơn chính là trẻ em và người già trên 60 tuổi, hoặc phụ nữ có thai, bởi họ có hệ miễn dịch yếu”, BS Khanh nói.
Nguyên nhân gây cúm A
Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện, dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.
Tiếp xúc với đồ dùng mà người bệnh đã sử dụng như bàn, ghế... hoặc dùng chung các vật dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lây truyền cúm A nhanh chóng.
Một nguyên nhân khá phổ biến chính là việc tập trung nơi đông người dễ lây truyền như công viên, trường học.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải cúm A. (Ảnh minh hoạ)
Cách xử trí khi mắc cúm A
Theo PGS.TS Trương Hữu Khanh tùy thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng, cũng như diễn tiến của người bệnh mà đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau. Với người mắc cúm A được điều trị đúng cách sẽ tự khỏi sau khoảng thời gian 3-5 ngày. Với người bệnh nhiễm cúm A trong giai đoạn đầu và không quá nhiều triệu chứng nghiêm trọng có thể điều trị tại nhà.
Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần thực hiện theo một số chú ý như sau:
"Trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà không khỏi, xuất hiện triệu chứng nặng nên đến thăm khám điều trị tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện", ông Khanh nói.
Cách phòng ngừa cúm A
Theo các bác sĩ, cách phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ như người có tuổi > 65, người bệnh mạn tính, phụ nữ có thai.
Ngoài ra cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Nên tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang... cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.