Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều thí sinh 'ngã ngửa' khi Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển sớm

(VTC News) -

Nhiều em chi vài chục triệu đồng ôn thi IELTS, SAT - từng được ví là tấm vé vàng vào đại học - nay lo lắng "không có cửa" đỗ sớm khi Bộ GD&ĐT siết xét tuyển sớm.

Hoàng Đức Anh, lớp 12, trường THPT Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) bất ngờ khi Bộ GD&ĐT dự kiến từ 2025 trở đi sẽ quy định chỉ tiêu tối đa dành cho xét tuyển sớm của các trường đại học chỉ còn 20%.

Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, ngay từ cuối năm lớp 10, Đức Anh đã xin bố mẹ tiền đầu tư vào ôn luyện và thi lấy chứng chỉ IELTS. Sau vài lần thi, nam sinh chinh phục thành công IELTS 8.0, tự tin có thể nộp nguyện vọng xét tuyển sớm vào ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao.

Năm ngoái, trường này dành 70% chỉ tiêu xét học bạ cho ba nhóm (học sinh trường chuyên, đạt giải cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ quốc tế).

Bộ GD&ĐT dự kiến siết việc xét tuyển sớm của các trường không quá 20% chỉ tiêu. (Ảnh minh hoạ)

Giờ đây, nam sinh lo lắng nếu trường buộc phải giảm chỉ tiêu về còn 20%, tỷ lệ đỗ sẽ giảm đi nhiều do có nhiều sự cạnh tranh khác. Không chỉ siết tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT còn dự kiến sẽ giới hạn mức điểm cộng từ các chứng chỉ ngoại ngữ, điều này khiến Đức Anh càng thêm lo lắng. "Nếu cả 2 chính sách này được áp dụng, đồng nghĩa với việc đầu tư vài chục triệu đồng luyện thi chứng chỉ IELTS của em trở nên vô nghĩa", Đức Anh nói.

Ngoài chuẩn bị chứng chỉ IELTS 7.0, Lê Thu Hoài, lớp 12, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng hoàn thành bài thi SAT với số điểm 1250/1600 điểm. Em dự kiến sẽ đăng ký thi thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để nắm chắc suất xét tuyển sớm vào trường Học viện Tài chính và Đại học Kinh tế quốc dân.

"Xét tuyển sớm giúp em thêm cơ hội trúng tuyển đại học, giảm áp lực cho đợt xét tuyển chung từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nếu Bộ GD&ĐT áp dụng quy định mới về giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm thì sẽ khiến cuộc đua vào đại học trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt những chứng chỉ và dự định tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiêu tan mà phải hoàn toàn đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để giành suất đỗ vào đại học mong muốn", nữ sinh nói.

Cô Lương Thị Bích Thuận, giáo viên một trường THPT có tiếng ở Hà Nội cho hay, từ khi có thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển sớm, tâm lý học sinh trong lớp có sự xáo trộn, hầu hết đều lo lắng.

Lớp cô chủ nhiệm, cả 45/45 học sinh đều dự định xét tuyển sớm vào các trường đại học mơ ước. Hầu hết các em đều chuẩn bị trước từ năm lớp 10, 11 về chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, SAT, hoặc đăng ký tham gia dự thi các kỳ thi riêng để xét tuyển sớm.

Không chỉ học sinh, mà phần lớn phụ huynh đều hoang mang trước thông tin tỷ lệ xét tuyển sớm của các trường sẽ giảm mạnh, giới hạn không quá 20%. 

Cô cho biết thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khác hoàn toàn so với trước nên học sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực. Các sĩ tử có chưa đầy một năm làm quen với định dạng đề mới. Giáo viên bỡ ngỡ vì phải thay đổi cách dạy, cách ôn. Nguồn tài liệu đề thi theo định dạng mới ít ỏi khiến công tác làm đề, tìm kiếm tài liệu của giáo viên trở nên thách thức.

"Trong hoàn cảnh này, mọi thay đổi liên quan đều làm tăng thêm áp lực cho cả thầy lẫn trò", cô Thuận nêu quan điểm.

Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào điểm số trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xét tuyển sớm có thể bao gồm xét học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh đặc thù, kết hợp các tiêu chí… Như vậy, với dự thảo quy định trên, có thể hiểu là 80% chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường dành cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Nhiều thí sinh lo lắng khi Bộ GD&ĐT dự kiến siết việc xét tuyển sớm từ 2025.

Đại diện các trường đại học đánh giá, điều này tạo ra sự mất cân đối giữa các phương thức tuyển sinh. Trong khi nhiều trường áp dụng đa dạng phương thức như xét học bạ, xét tuyển thẳng hoặc đánh giá năng lực, việc tập trung quá nhiều chỉ tiêu vào một phương thức duy nhất không phản ánh được sự linh hoạt trong lựa chọn của cả nhà trường và thí sinh.

Hơn nữa, hiện tỷ lệ hồ sơ ảo tại các trường khá cao bởi một thí sinh thường sẽ nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào nhiều trường. Do đó, nhiều trường phải “gọi” số thí sinh cao lên nhằm loại trừ hồ sơ ảo, thậm chí có trường phải gọi số lượng thí sinh gấp đôi để… “trừ hao đi là vừa”.

Lý giải về quy định siết xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm về 20% căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua. Bộ GD&ĐT muốn đưa việc xét tuyển sớm về đúng mục tiêu tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

"Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12", Vụ trưởng nói và khẳng định, giảm quy mô xét tuyển sớm không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.

Cũng theo Vụ trưởng, có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm.

Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD&ĐT đã có hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thoàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.

"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó", PGS Thuỷ cho hay.

Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Các phương thức xét tuyển sớm chủ yếu là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).

Việc xét tuyển sớm được các chuyên gia nhận định giúp thí sinh giảm áp lực tuyển sinh và tăng cơ hội lựa chọn trường. Đồng thời cũng giúp các trường đại học top giữa và top cuối đảm bảo số lượng thí sinh nhập học, giảm tỷ lệ thí sinh ảo.

Hà Cường

Tin mới