Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều sinh viên bị kỳ thị, đuổi khỏi phòng trọ khi trở thành F0

Dương tính với SARS-CoV-2, nhiều sinh viên bị chủ trọ đuổi khỏi phòng, hàng xóm kỳ thị.

"Trở thành F0, tôi đã tự cách ly, đảm bảo an toàn phòng dịch với hàng xóm. Tuy nhiên, sau khi biết chuyện, anh chị ở gần phòng đã báo với chủ trọ và không muốn tôi ở lại. Chủ trọ cũng gọi cho bố mẹ tôi và đề nghị gia đình đón về quê. Một mình lặn lội ở Hà Nội đã khó khăn lắm rồi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ họ lại đối xử với mình như vậy", T.H., sinh viên Cao đẳng Du lịch Hà Nội nói.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19, nhiều sinh viên bị kỳ thị. (Ảnh minh họa: PAHO)

Ở ngoài đường… vì là F0

Nhắc lại câu chuyện trở thành F0 của mình, T.H. - sinh viên năm thứ ba, Cao đẳng Du lịch Hà Nội buồn bã, tủi thân vì những gì đã trải qua khi không có gia đình bên cạnh.

Ngày 18/2, T.H. nhận thấy bản thân có một số triệu chứng bất thường. Sau khi đi làm về, nữ sinh viên đã xét nghiệm nhanh kháng nguyên và có kết quả dương tính với COVID-19. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ở phòng trọ, H. đã dùng riêng nhà vệ sinh (khu vực không có người sử dụng thời gian gần đây), nhờ bạn mua giúp thức ăn và đồ dùng cần thiết.

Nhận thấy T.H. có dấu hiệu nhiễm COVID-19, ngày 19/2, hàng xóm ở gần phòng trọ của H. đã báo với chủ nhà trọ và đề nghị không cho nữ sinh viên ở lại nữa. Biết tin, chủ trọ của H. liền gọi điện thoại và yêu cầu bố mẹ nữ sinh viên đến đón về quê với lý do sợ lây nhiễm dịch bệnh trong khu trọ.

Nhà của T.H. ở Hà Tây. Trong gia đình, H. có một em trai 10 tuổi, chưa tiêm vaccine. Vì lo cho sức khỏe gia đình và em trai, H. đã trấn an bố mẹ, tự lái xe máy về bệnh viện ở huyện để xin xét nghiệm và cách ly tập trung. Thời điểm di chuyển về quê, T.H. sốt, khó thở, tuy nhiên không nhận được sự hỗ trợ, thông cảm nào của hàng xóm và chủ trọ.

"Tôi còn nhớ khi đi từ phòng trọ về thẳng bệnh viện, Hà Nội mưa to lắm. Cũng may là tôi ở Hà Tây nên quãng đường di chuyển tầm 50km thôi. Mọi người sợ bị lây nhiễm là điều bình thường, nhưng tôi không nghĩ họ lại 'đuổi khéo' mình, ngay khi biết tôi là F0", T.H. nói.

Đồng cảm với T.H., T.L. - sinh viên ở Hà Nội cũng chia sẻ về khoảng thời gian bạn cùng phòng trở thành F0 và bị chủ trọ không cho vào nhà.

Theo đó, những ngày trước Tết Nguyên đán, bạn của T.L. kết quả dương tính với COVID-19 và báo với chủ nhà trọ. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm ở trạm y tế, trở về phòng, bạn của T.L. đã bị chủ trọ chặn ở cổng và không cho vào nhà. Lý do được chủ trọ đưa ra là vì sợ nữ sinh viên lây nhiễm dịch bệnh, cả khu trọ sẽ phải cách ly.

Nhận thấy tình hình trên, bạn của T.L. đã xin phép vào phòng lấy đồ dùng cá nhân, tuy nhiên, chủ trọ nhất quyết không đồng ý. T.L. cho biết nữ sinh viên đã nấu cơm và mang ra ngoài cổng để bạn ăn uống.

Đến 23h, sau khi bạn của T.L. liên hệ với công an và y tế địa phương, chủ nhà trọ mới cho vào phòng.

"Chứng kiến vụ việc, tôi thấy ở thành phố này, lòng người hẹp hòi và ích kỷ quá. Mọi người sợ bị cách ly, không đi làm được hơn là giúp một sinh viên đang bị bệnh. Bố mẹ của chúng tôi ở quê, biết chuyện cũng không thể làm gì được, chúng tôi ra đây đi học là phải chấp nhận thôi", T.L. nói.

Khu cách ly F0 trong trường đại học

Trước thực tế nhiều sinh viên bày tỏ khó khăn khi là F0 trên mạng xã hội, các trường đại học đã có phương án hỗ trợ.

Trên mạng xã hội, đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội phát đi thông báo đến các đoàn viên, sinh viên không may bị nhiễm COVID-19. Theo đó, mỗi sinh viên là F0 sẽ được nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng. ĐH Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý đoàn viên, sinh viên khai báo tạm trú để được hỗ trợ tại nơi ở và liên hệ bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết sinh viên là F0 nếu có nhu cầu sẽ được sắp xếp cách ly tại khu ký túc xá của trường.

Nhà trường cũng lập nhóm trên mạng xã hội gồm sinh viên, giảng viên F0 để kịp thời hỗ trợ các bạn 24/24 giờ. Giảng viên sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng dịch để giải đáp thắc mắc cho sinh viên kịp thời. Sinh viên F0 đều cảm nhận được rằng các em vẫn đang có những người thầy, người bạn luôn quan tâm, chăm lo nên rất cố gắng.

Từ khi sinh viên đi học tập trung trở lại, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) ghi nhận có khoảng 10 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại trường. Các sinh viên này đều được xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 bước đầu bởi trung tâm y tế của trường và hướng dẫn về địa phương thực hiện các biện pháp khai báo, cách ly, điều trị theo quy định.

"Trước khi tổ chức dạy và học trực tiếp trong bối cảnh bình thường mới, khi xây dựng thời khóa biểu, chúng tôi cũng đã tiên liệu được các trường hợp có sinh viên, giảng viên nghi nhiễm. Do đó, lớp học vẫn được tổ chức và trang bị các công nghệ để có thể vận hành song song trực tiếp, trực tuyến trong trường hợp cần thiết.

Nếu sức khỏe sinh viên kém hoặc có triệu chứng nặng, chúng tôi sẽ hỗ trợ trực tiếp cho từng trường hợp về việc bảo lưu môn học, hoặc tạo điều kiện học lại khi sức khỏe ổn định", ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông của Đại học Công nghệ TP.HCM nói.

Sinh viên đi học trở lại nếu nhiễm COVID-19 sẽ được ĐH Công nghệ TP.HCM hỗ trợ. (Ảnh: ĐH HUTECH)

Ngày 23/2, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội, cho biết vừa qua có 300.000 sinh viên quay lại trường. Nhiều trường đã lúng túng khi số sinh viên là F0 tăng cao.

Đảng ủy khối đã họp với Bí thư, hiệu trưởng các trường với thông điệp: Các trường không cấm sinh viên quay lại nhưng tránh tình trạng ồ ạt, ưu tiên sinh viên năm đầu và năm cuối tới trường. Các trường cần chuẩn bị chu đáo và kiểm soát được tình hình.

Đặc biệt, các trường phải đưa F0 về chăm sóc nếu chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để chủ các nhà trọ không quá lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là. Các trường phải thay đổi kế hoạch, bình tĩnh chủ động ứng phó với các tình huống.

Nguồn: Zing News

Tin mới