Hôm 23/9, Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ kêu gọi tái khởi động ngay các cuộc đàm phán để cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi các cuộc đàm phán bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Ngoại trưởng của các nước Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ có cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tuyên bố chung sau cuộc họp, các nước này nhấn mạnh "sự cấp bách của việc cải tổ Liên hợp quốc và các cơ quan ra quyết định chính của tổ chức này, để phản ánh tốt hơn thực tế với tình hình hiện nay".
Ngoại trưởng các nước này cũng bày tỏ "thất vọng trước những nỗ lực làm chệch hướng tiến trình này và cam kết giải quyết vấn đề một cách có ý nghĩa" vì năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập tổ đa phương lớn nhất thế giới.
Nhật Bản, Brazil, Đức, Ấn Độ kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Getty)
Các cuộc đàm phán liên chính phủ về cải cách của Liên hợp quốc bắt đầu từ năm 2009 nhưng không đạt được nhiều tiến bộ. Nhật Bản, Brazil, Đức và Ấn Độ đã rất tích cực để thúc đẩy, tăng số lượng ghế thường trực Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an hiện bao gồm 5 thành viên thường trực - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, có quyền phủ quyết, quyền này có thể được dùng để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào. Ngoài 5 thành viên thường trực, Hội đồng Bảo an bao gòm 10 thành viên không thường trực, được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Nhật Bản cho rằng Hội đồng Bảo an nên tăng số lượng đại diện. Số lượng của cơ quan này chỉ mới tăng một lần vào năm 1965, từ 11 lên 15 thành viên, bằng cách bổ sung thêm nhiều ghế không thường trực. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, tổ chức này đã tăng từ 51 lên 193 thành viên như hiện nay.
Cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay bị phủ bóng đen không chỉ bởi cạnh tranh Mỹ - Trung, mà còn sự lung lay của chủ nghĩa đa phương. Hôm 22/9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về viễn cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
“Chúng ta đang đi theo hướng rất nguy hiểm. Thế giới của chúng ta không thể có một tương lai trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phân chia địa cầu ra làm hai... mỗi bên có quy định riêng về thương mại và tài chính”, ông Guterres cho hay.
Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục công khai chỉ trích Trung Quốc. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc góp phần gây ra đại dịch đồng thời chỉ trích Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm 28% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.
Trong khi đó, trước khi bắt đầu bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đại diện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc phản đối việc nước này bị đổ lỗi vì đại dịch COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng không có lý do gì để các quốc gia chống lại toàn cầu hóa. Thông điệp được ông Tập đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump rút lui khỏi các cam kết đa phương để theo đuổi chính sách cô lập hơn