Dù đã nhận khách, lên thực đơn, chương trình đặc biệt chào đón năm mới, nhưng nhiều khách sạn tại Hà Nội phải huỷ ngang khi thành phố mở rộng địa bàn dừng hoạt động không thiết yếu. Các chương trình, sự kiện tổng kết cuối năm đã đặt trước bị huỷ hàng loạt.
Hàng quán vừa trang hoàng rực rỡ, chưa kịp đón khách đã phải đóng cửa.
Chị Nguyễn Nga (Đống Đa, Hà Nội) vừa đặt tiệc chào đón năm mới tại khách sạn Metropole Hà Nội với mỗi suất ăn 3,1 triệu đồng/người với tiệc buffet Giao thừa đặc biệt tại Le Club. “Tôi được thông báo hủy bàn tiệc vào ngày 26/12. Tôi rất buồn nhưng vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng nên thay vì đi ăn tiệc chào đón năm mới, gia đình tôi quyết định ở nhà đón giao thừa”, chị Nga cho hay.
Khách sạn Metropole Hà Nội thông báo dừng chương trình mùa lễ hội 2021, dù trước đó đã nhận đặt bàn, lên chương trình xuyên suốt các ngày 24/12 - 2/1/2022. Khách sạn buộc phải đóng cửa các nhà hàng thuộc hệ thống, chỉ còn phục vụ ăn uống cho khách lưu trú. Các khách sạn Movenpick Hà Nội, JW Marriott, Metropole Hà Nội… hủy khách đặt ăn uống chào đón năm mới từ ngày 27/12.
Hàng loạt nhà hàng, hội trường của các khách sạn 4-5 sao tại những quận “vùng cam” dừng hoạt động, khiến các đơn vị tổ chức sự kiện “méo mặt”. Khách sạn Hotel de I’Opera Hà Nội (29 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa thông báo không tiếp khách sự kiện cũng như tiếp khách tại nhà hàng tại tầng 1.
Chị Thu Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) đặt bàn 20 khách vào chiều 27/12 nhưng sau đó, phía khách sạn đã thông báo hủy bàn đặt. “Công ty tôi sự kiện cuối năm gặp gỡ tri ân khách hàng nhưng đùng một cái khách sạn hủy khiến chúng tôi phải nhanh chóng di dời sự kiện sang địa điểm khác. Dù được hoàn tiền nhưng doanh nghiệp mất cả một sự kiện đã lên kế hoạch từ trước”, chị Lý nói.
Không chỉ khách sạn, mà dịp lễ hội cuối năm, nhiều nhà hàng, quán cafe sớm đầu tư trang hoàng ngập không khí Giáng sinh, trông chờ mùa cao điểm đắt khách bù đắp khoảng dài đóng cửa trước đó. Tuy nhiên, chưa kịp bước vào cao điểm, hàng quán tại các quận “vùng cam” đã phải đóng cửa, khiến cả chủ quán và khách hàng tiếc nuối.
Thích nghi thời dịch
Sau nhiều lần hàng quán phải đóng cửa để phòng dịch, các chủ hàng quen dần với tình cảnh này, lên nhiều phương án thích ứng linh hoạt. Chị Thu Hằng, chủ quán bún trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), và nhân viên tất bật thu dọn hàng quán trước 12 giờ trưa 26/12, chuyển hoàn toàn sang bán mang về. Chị Hằng cho biết, cửa hàng có bán trên các ứng dụng đồ ăn, giao qua điện thoại cho khách quen. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cầm cự, nếu kéo dài, chủ hàng không biết xoay xở ra sao, đặc biệt khi kỳ đóng tiền nhà sắp tới.
Còn quán phở trên phố Kẻ Tạnh (Long Biên, Hà Nội) sau khi có quyết định chỉ được bán mang về, chị Lan Hương, chủ quán, dừng bán hàng luôn. “Mấy lần trước khi Hà Nội cho bán mang về, cửa hàng bán được rất ít. Nay tôi quyết định dừng bán hẳn cho đến khi Hà Nội cho phép ăn uống tại chỗ. Mỗi lần dừng bán thế này, cửa hàng mất nhiều chi phí. Chưa năm nào buôn bán lại khó khăn với những hàng quán nhỏ lẻ như năm nay”, chị Hương nói.
Hà Nội có 8 quận ở cấp độ 3 - màu cam - nguy cơ cao về dịch COVID-19 (tăng thêm 6 quận) so với lần đánh giá cách đây một tuần. Các quận ở cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.
Nếu như các quán bún, phở dễ dàng đóng gói đồ ăn mang về chỉ với hộp xốp, nhựa, thì nhà hàng lẩu, nướng, những nơi bán món cần làm chín sẵn sàng giao cả bếp, nồi, bát đũa cho khách ăn tại nhà. “Nhà có sẵn bếp, cồn, bát đũa nên mình cho khách mượn luôn. Quán lấy cọc 300.000 - 500.000 đồng/lượt mượn, sẽ hoàn cọc cho khách khi trả đủ đồ. Khách ăn xong không phải rửa bát, chỉ yêu cầu xếp gọn, bỏ đồ ăn thừa để quán dọn về”, chị Thuỳ Anh (quán lẩu trên phố Tây Sơn, Hà Nội) cho biết.