Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kịch trần

Sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh từ 4% lên 5%/năm, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chân điều chỉnh biểu lãi suất từ ngày 23/9.

Ngay trong ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng lãi suất điều hành mới, trong đó có lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới theo thay đổi này.

Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 23/9 của SCB đã được điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo trần lãi suất NHNN cho phép.

Lãi suất huy động ồ ạt tăng

Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này đã tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm cho phép.

Tương tự, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất ở mức 4%/năm nay cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2 - 5 tháng.

Như vậy, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn tại SCB đã tăng tới 1 điểm % trong đợt điều chỉnh này.

Thực tế, SCB không phải ngân hàng duy nhất nhanh chân điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngắn sau quyết định của NHNN. Tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được nhà băng này điều chỉnh từ mức 3,95 - 4%/năm lên 4,9 - 5%/năm.

Đáng chú ý, đầu tháng 9 trước đó, biểu lãi suất huy động tại nhà băng này cũng đã tăng 0,1 - 0,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn gửi.

Một loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần NHNN cho phép. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tương tự, Vietcapital Bank đầu tháng 9 vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,2%/năm và tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng ở 3,9%/năm, đến nay các mức lãi suất này đã tăng lên lần lượt 0,5%/năm và 5%/năm, đều là mức cao kịch trần cơ quan quản lý cho phép.

Kienlongbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân dưới 6 tháng lên mức trần 0,5%/năm (không kỳ hạn) và 5%/năm (kỳ hạn 1 - 5 tháng). So với đầu tháng 9, các mức lãi suất này của Kienlongbank đã tăng 0,3 điểm % và 1 điểm %.

Tuy không tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng lên kịch khung NHNN cho phép, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với mức tăng thêm 1 - 1,2 điểm % so với trước đó.

Hiện các ngân hàng như BacABank; Eximbank; GPBank; SHB; OCB; SeABank; VIB; VPBank… đều đưa ra mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở 0,5%/năm và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng trên 4%/năm, phổ biến dao động quanh mức 4,5 - 4,9%/năm.

Đáng chú ý, trước đợt tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn này, một số ngân hàng thương mại đã có nhiều lần tăng mạnh lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn.

Trong đó, đầu tháng 9, Sacombank, BacABank, SCB, Kienlongbank, Techcombank… đều đã tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân thêm 0,2 - 0,4 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Trong khi đó, biểu lãi suất tại MBBank đầu tháng 9 còn được điều chỉnh tăng tới 0,2 - 0,95 điểm % tùy theo từng kỳ hạn.

Với DongABank, từ giữa tháng 3 đến nay, nhà băng này đã có tới 6 đợt tăng lãi suất, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tăng từ vị trí thứ 16 hồi đầu năm lên vị trí thứ 3 thị trường.

Đà tăng lãi suất chưa dừng lại

Ghi nhận trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết tính tới ngày 14/9, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng lần lượt 0,44 điểm % và 0,51 điểm % so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng quốc doanh tăng chậm hơn đáng kể, lần lượt ở mức 0,03 điểm % và 0,07 điểm %.

Trong bối cảnh NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành, các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm này.

Lãi suất huy động được dự báo còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, các yếu tố như NHNN cấp thêm “room” tín dụng cho một số ngân hàng; tăng trưởng tiền gửi chậm trong 7 tháng đầu năm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất lên 4,25 - 4,5%/năm vào cuối năm và đồng USD mạnh hơn cũng khiến lãi suất ngân hàng tăng lên.

VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) sẽ tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Tuy vậy, mức này vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch là 7%/năm.

Sang năm 2023, các chuyên gia phân tích cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, trong khi các ngân hàng thương mại phải tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Mức tăng lãi suất huy động dự kiến trong năm 2023 là 0,5 điểm %, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lên mức 6,6 - 6,8%/năm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VCBS ước tính lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng 0,9 - 1,1 điểm % từ đầu năm đến nay. Với các chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN, cùng bối cảnh kinh tế trong nước hiện nay, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm nay.

Nguồn: Zing News

Tin mới