Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm, giảm cao nhất 0,5 điểm % so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài, ABBank cũng điều chỉnh mạnh khi từ 8,3%/năm xuống còn 7,9%/năm các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, giảm 0,4 điểm % so với trước đó.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) hạ lãi suất huy động với mức giảm 0,1 điểm % các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo biểu lãi suất huy động online mới nhất của VIB, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 8 tháng hiện là 7,3%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng là 7,4%/năm; các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có lãi suất 7,5%/năm.
Lãi suất nhiều ngân hàng tiếp tục giảm.
Đây là lần thứ hai trong tháng 6, VIB thực hiện giảm lãi suất huy động.
Saigonbank cũng điều chỉnh giảm 0,2 điểm % ở một số kỳ hạn.
Lãi suất huy động online kỳ hạn 6 - 8 tháng đã giảm 0,2 điểm phần trăm còn 7%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng cũng giảm tương tự xuống còn 7,1%/năm. Cũng với mức giảm này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện còn 7,4%/năm, trong khi các kỳ hạn còn lại vẫn được giữ nguyên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất tại Saigonbank thuộc về kỳ hạn 13 tháng, lên tới 8%/năm.
Ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Quyết định hiệu lực từ ngày 19/6.
Theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy áp lực lạm phát không quá lớn và có thể đạt mục tiêu kiểm soát ở mức 4,5% trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng hết tháng 5 chỉ đạt 3,17% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,09%. Áp lực phải hạ lãi suất trên thị trường khi doanh nghiệp rất khó khăn trước mặt bằng lãi suất cao. Nhà điều hành rất quan ngại khi tín dụng tăng trưởng thấp và đang chịu áp lực lớn, để đạt tốc độ tăng 14-15% cả năm nay thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.