Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý I/2020. Theo đó, GDP quý I năm nay chỉ đạt 3,82%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thô giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng và dịch Covid-19 bùng phát mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam trong quý I bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% và khu vực dịch vụ tăng 3,2%.
Trong cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%, khu vực dịch vụ chiếm 43,71%.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.
CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.
Dù dịch bệnh bùng phát, nhưng trong 3 tháng đầu năm, cả nước cả nước vẫn có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký.
Có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.