Thông tin trên vé không trùng với giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách bật khóc. Dù chấp nhận bỏ tiền để mua lại ghế của chính tấm vé đó nhưng họ vẫn không được nhà ga giải quyết.
Một hành khách buồn bã cho biết: “Trước đó, vé tàu của tôi do người thân mua để về quê. Nhưng người này đổi ý nên chuyển lại cho gia đình tôi. Nay thông tin không khớp nên không được lên tàu. Tôi đã thử đổi lại vé nhưng không được vì vé chỉ được đổi trước giờ tàu chạy 24 tiếng”.
Nữ hành khách bật khóc giữa sân ga Sài Gòn do trễ hẹn về quê vì vé tàu không hợp lệ - Ảnh: Đức Phú
Ghế trống vẫn không cho khách lên tàu
Trao đổi với TTO, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Trường hợp hành khách có vé tàu không hợp lệ nếu chấp nhận bỏ thêm tiền mua đúng tấm vé ngay trước giờ tàu khởi hành để không phải mất cơ hội về quê thì cũng không thể giải quyết.
Vé đã bán cho hành khách thì không thể bán cho hành khách khác. Lỡ xảy ra trùng thông tin thì rất rắc rối”.
Bạn Thúy Vân (Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Tuy hơi khắc nghiệt nhưng như vậy cũng đúng. Chúng ta cần quyết tâm chống nạn cò vé chợ đen, chỉ có cách này mới làm được rốt ráo”.
Tuy nhiên, theo anh Hùng Dũng (Phú Yên), vé đã mua, đã trả tiền sòng phẳng thì ai có vé người đó có quyền lên tàu. Không phải phương tiện cần quản lý an ninh cao như máy bay mà phải xét thông tin cá nhân.
Chị Quế Tiên phản biện: “Cách giải thích của ông Văn không thuyết phục. Nếu đã là vé thật của ga thì làm gì tồn tại 2 cái cùng lúc mà dẫn đến trùng thông tin hay không? Nếu trùng là lỗi của nhà ga, sao hành khách phải chịu?”.
Bạn Tiến Hoàng cho biết: “Ở nước ngoài, người dân chỉ cần mua vé và đi, đâu cần phải giấy tờ gì. Năm nào chuyện vé tàu cũng rắc rối. Không cho khách lên thì trên tàu sẽ trống một vị trí. Vị trí đó sẽ xử lí thế nào?”.
Bà Thu Hồng (Q.11, TP.HCM) cho rằng việc quản lý bán vé chợ đen là việc của công an và ngành đường sắt thì sao lại bắt dân phải chịu những qui định chỉ có lợi cho mình như vậy?
Hành khách ngồi ở sân ga do vé tàu không đúng qui định - Ảnh Đức Phú
Cứng nhắc?
Anh Tuấn Nghĩa (Nha Trang, Khánh Hòa) bức xúc: “Nếu đã xác nhận là vé thật, sao ga tàu không linh động xử lý cho người dân. Đa phần người đi tàu đều là dân lao động. Có khi dành dụm vài năm mới về quê ăn tết một lần. Một cặp vợ chồng, một đứa con mua vé tàu khứ hồi khoảng 6 triệu là cả một tài sản”.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho rằng nếu thông tin trên vé không đúng với giấy tờ tùy thân thì nhà ga vẫn có thể điều chỉnh cho hành khách (có thể thu thêm phí cho công tác này) chứ không thể không cho họ lên tàu được.
Trường hợp người thân mua vé và tặng lại thì nhà ga cần xem họ có thông báo trước cho quầy vé hay không. Quan trọng hơn, nhà ga phải xem lại nghĩa vụ thông tin của mình, tức là người bán. Có đúng là những quy định đó đã đến được với người mua hay chưa?.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Ngành đường sắt có rất nhiều cách để giải quyết cơ mà. Chẳng lẽ lại bỏ ghế trống, nhất là trong dịp cao điểm như hiện nay”.
Theo ông Nghiêm, nhà ga vẫn có thể liên hệ với người đã mua vé (vì lúc đăng ký mua họ có để lại số điện thoại) để xác nhận thông tin xem có đúng là họ đã chuyển vé cho hành khách đang cần lên tàu không.
Ngoài ra, đơn vị quản lý cũng có thể đặt ra một khung giờ giới hạn để đến thời điểm đó, những trường hợp vé không hợp lệ được giải quyết nếu không có ai đến tranh chấp.
“Người được giải quyết phải cam kết không có tranh chấp với người có tên trên vé và giả sử có tranh chấp sau đó thì họ vẫn đang ngồi trên tàu, tức là vẫn nằm trong tầm kiểm soát và quản lý của nhân viên”, ông Nghiêm cho hay.
Hạn chế cò vé bằng cách khác
Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM.
Ông Hậu cho rằng việc nhà ga từ chối hành khách khi họ đã có vé với số ghế, số toa và thời gian tàu chạy phù hợp nhưng không được lên tàu là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hạn chế quyền công dân phải theo quy định của pháp luật. Người dân đã bỏ tiền mua vé do chính ngành đường sắt phát ra thì tại sao lại không được lên tàu?
Vé tàu cũng như một loại hàng hóa, khi ai đó mua vé đồng nghĩa với việc họ đã giữ chỗ đó. Khi họ không đi được thì hoàn toàn có quyền nhượng vé cho người khác.
Ông Hậu nhấn mạnh: “Việc hạn chế tình trạng cò vé, chợ đen là rất cần thiết nhưng không phải giải quyết bằng cách làm này. Điều này chỉ làm cho việc mua bán vé tàu của người dân thêm rườm rà. Ngành đường sắt tương tự như loại hình kinh doanh, càng đơn giản thì người dân càng ủng hộ”.
Phải mua lại vé nhưng không đảm bảo còn vé
Sau khi liên hệ qua tổng đài 19006469 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một bạn đọc lo lắng chia sẻ với TTO khi nghe nhân viên ở đây trả lời rằng vé không hợp lệ phải được chính người mua vé trả lại và sau đó, người muốn đi tàu phải mua vé mới.
Chiều ngày 29-01, một nhân viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xác nhận với TTO về thông tin trên. Người này còn cho biết thêm, việc giải quyết vé không hợp lệ là có nhưng không thể đảm bảo hành khách có thể mua vé mới. Vì sau khi trả vé, hệ thống sẽ cập nhật ghế trống ngay. Do vậy trong giai đoạn cao điểm như hiện nay thì rất có thể vé đó sẽ được người khác nhanh tay mua lấy.
Video xe tải chết máy giữa đường bị tàu hỏa đâm nát
Nguồn: Tuổi Trẻ