Mới đây, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 20 người sử dụng 20 bằng tốt nghiệp THPT, bằng cử nhân giả. Trong số này, chủ yếu là giáo viên đang dạy học trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Tại cơ quan công an, những người này thừa nhận hành vi sử dụng bằng giả với mục đích có việc làm, thu nhập ổn định. Nhiều năm trước, họ đã liên hệ nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, nộp hồ sơ học lên hệ cao hơn rồi lấy bằng để đi xin việc làm.
Trao đổi với VietNamNet ngày 27/9, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho hay, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, rà soát bằng cấp (thuộc phạm vi do Sở quản lý) của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh.
“Trong quá trình xác minh văn bằng được lưu tại Sở GD-ĐT thì có bằng tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên có cấp THPT. Khi các cơ quan chức năng đề nghị xác minh thì Sở xác minh theo hồ sơ gốc. Vừa qua, công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị xác minh một số trường hợp, nhưng Sở không biết rõ các cá nhân này hiện công tác tại đơn vị nào”.
“Tôi cũng trao đổi với lãnh đạo Phòng GD-ĐT xem nắm được trong đó bao nhiêu giáo viên không, thì họ cũng trả lời chưa nắm được. Do đó, tôi cũng không nắm được trong số đó có bao nhiêu giáo viên”, ông Khoa nói.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, giáo viên mà sử dụng bằng giả để đi dạy thì dù có vì lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được và phải xử lý theo quy định của pháp luật.
“Sử dụng hồ sơ giả, văn bằng giả thì cứ theo quy định pháp luật mà xử lý thôi. Quy định đã có rất rõ rồi, nếu có, sẽ chiếu theo đó, rồi theo phân cấp quản lý, giáo viên cấp THCS trở xuống sẽ do UBND huyện đưa ra hình thức xử lý, còn giáo viên THPT thì Sở GD-ĐT sẽ đưa ra hình thức xử lý”, ông Khoa nói.