Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều doanh nghiệp có tâm lý tiêu cực trong triển vọng kinh doanh

(VTC News) -

Cuốn Cẩm nang "Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp" nói nhiều doanh nghiệp có tâm lý tiêu cực trong triển vọng kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa giới thiệu cuốn cẩm nang "Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp".

Có tâm lý tiêu cực trong triển vọng kinh doanh

Điểm chú ý trong cuốn cẩm nang này là VCCI đưa ra Chỉ số Sức khỏe của doanh nghiệp (VBIS), một sáng kiến nhằm tập hợp các đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như các nhận định của các doanh nghiệp theo định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng.

Theo khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp đang có tâm lý "tiêu cực" về triển vọng kinh doanh. (Nguồn: VCCI)

Chỉ số VBIS gồm hai chỉ số chính, với Chỉ số VBIS thực thấy là chỉ số xây dựng dựa trên đánh giá của doanh nghiệp về kỳ khảo sát này so với kỳ trước đó. Chỉ số VBIS dự cảm là chỉ số được xây dựng dựa trên cảm nhận của doanh nghiệp về kỳ tới so với kỳ khảo sát này.

Chỉ số VBIS được tổng hợp từ các chỉ số thành phần quan trọng như tổng doanh thu, lượng đơn đặt hàng mới, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, giá bán bình quân trên đơn vị sản phẩm, giá thành bình quân trên đơn vị sản phẩm, sản phẩm tồn kho, nguyên vật liệu tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, số lượng công nhân viên, lượng mua nguyên vật liệu đầu vào.

Các chỉ số thành phần được tính toán dựa trên chênh lệnh giữa tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá kém đi trong từng chỉ số. Nếu chỉ số lớn hơn 50 chứng tỏ tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và ngược lại.

Đại dịch COVID-19 đã làm doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh. (Nguồn: VCCI) 

Hơn 68% doanh nghiệp nói doanh thu giảm do COVID-19

Cuộc khảo sát của VCCI về tác động của COVID-19 cho thấy, có hơn 68% doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm do thị trường thu hẹp, gần 50% trả lời là thiếu hụt vốn/dòng tiền. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đối diện với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào (28,6%), khó khăn duy trì sản xuất đơn hàng đã ký (23,1%).

Những thông tin trên của VCCI cũng trùng hợp với thông tin do VTC News khảo sát nhanh với các chủ doanh nghiệp trong Câu lạc bộ CEO TP.HCM trong sáng 30/9.

Theo đó, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải là doanh thu giảm, có doanh nghiệp giảm đến 70% so với cùng kỳ năm trước. Những doanh nghiệp có doanh thu giảm mạnh thường rơi vào lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ vụ ăn uống vì đa phần nguồn doanh thu đều phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Vì thế, để chủ động đối mặt với khủng hoảng, theo chuyên gia tư vấn của Deloitte, lãnh đạo cần kiến tạo một doanh nghiệp kiên cường và linh hoạt, sẵn sàng đối mặt với mọi bất ổn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn cần có tư duy - Tìm cơ hội trong thách thức và sử dụng các công cụ để xác định các giải pháp thích hợp nhằm biến nguy thành cơ. Dĩ nhiên, để kiến tạo một doanh nghiệp kiên cường thì điều đầu tiên, lãnh đạo phải là người kiên cường.

Sáu nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng được các chuyên gia Deloitte tư vấn cho các doanh nghiệp. (Nguồn: VCCI)

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Cuốn cẩm nang Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành là sản phẩm hợp tác giữa VCCI và Deloitte Việt Nam, một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu về quản trị kinh doanh tại Việt Nam.

VCCI kỳ vọng cuốn cẩm nang này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận với những nguyên tắc, phương thức quản trị tiên tiến, hiệu quả để doanh nghiệp chủ động chống đỡ, cầm cự, biến nguy thành cơ trước những tác động không chỉ của COVID-19 mà còn của những thách thức khác trong tương lai, nhằm phát triển bền vững.

Doanh nghiệp quan tâm có thể đọc toàn bộ cuốn Cẩm nang tại đây.

Ngọc Hùng

Tin mới