Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều địa phương đề nghị bỏ trạm thu phí vì nguyên nhân này

Trước việc người dân phản ứng về các trạm thu phí BOT trên đường độc đạo, không có sự lựa chọn, nhiều địa phương đề nghị thay đổi dự án, bỏ trạm thu phí và đang được Bộ GTVT, Chính phủ xem xét.

Đề nghị bỏ trạm của Thái Nguyên được ghi nhận

Chiều 12/12, Bộ GTVT họp bàn xử lý các vướng mắc của dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn). Đây là dự án xây dựng tuyến mới (đường Thái Nguyên - Chợ Mới), kết hợp nâng cấp 25 km trên QL 3, thu phí cả 2 tuyến để hoàn vốn.

Dù dự án đã xong gần 1 năm, chưa thu phí nhưng nhiều chủ xe đã căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối việc thu phí trên QL 3 - tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách. 

Tại cuộc họp, nhà đầu tư đưa ra 3 phương án giải quyết. Thứ nhất sẽ tiến hành thu phí cả hai tuyến kết hợp với miễn giảm phí cho người dân khu vực quanh trạm. Hai phương án còn lại: Bán một phần dự án (khoảng 2.000 tỷ đồng) hoặc toàn bộ dự án (khoảng 3.000 tỷ đồng) cho Nhà nước.

Theo một cán bộ dự họp, sau khi nghe trình bày, đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT ngay lập tức bày tỏ quan điểm không đồng ý về việc mua lại dự án, vì rất khó khăn trong bố trí vốn.

Phương án bỏ trạm trên QL3, chỉ để lại trạm trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới, đồng thời cho nhà đầu tư hoàn thiện QL 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên thành cao tốc để thu phí hoàn vốn (phương án do UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất) cũng được đưa ra bàn luận.

Trạm thu phí BOT trên QL 3 (Thái Nguyên). 

Đây là phương án được đa số người dân Thái Nguyên ủng hộ, vì xóa được tình trạng đi đường nào cũng vướng trạm thu phí. Phương án này cũng phù hợp với Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số yêu cầu liên quan tới các dự án BOT giao thông, trong đó có yêu cầu không được thực hiện BOT trên đường hiện hữu.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đồng thuận vì tuyến QL 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên gần đạt tiêu chuẩn cao tốc, nếu cho phép nhà đầu tư hoàn thiện thành cao tốc sẽ tăng cường khả năng khai thác, dễ thu phí hoàn vốn cho BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Tuy nhiên, không ít ý kiến, trong đó có ý kiến của đại diện Bộ KH&ĐT bày tỏ băn khoăn: Nếu xem việc hoàn thiện đoạn QL 3 mới này là dự án độc lập, cũng theo nghị quyết về BOT nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT bắt buộc phải đấu thầu chọn nhà đầu tư, không thể bổ sung, lồng ghép dự án.

Trước tình hình này, Bộ trưởng GTVT chỉ quyết định trước hết cho phép nhà đầu tư thu trước trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới. Trên QL 3, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét các phương án miễn, giảm phí. Phương án bỏ trạm trên QL3 và tái cơ cấu dự án như đề nghị của Thái Nguyên được ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Chính phủ.

Xem xét bỏ trạm trên QL 1A qua Lạng Sơn

Tương tự như Thái Nguyên, tỉnh Lạng Sơn đề nghị bỏ bớt trạm thu phí trên QL 1A. Cụ thể, dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn hiện nay bao gồm hai hạng mục: Xây dựng tuyến cao tốc mới từ TP Bắc Giang đến Chi Lăng (Lạng Sơn) và nâng cấp mặt đường QL 1A. Ngoài thu phí kín theo km trên cao tốc, dự án được phê duyệt 2 trạm thu phí trên QL 1A trên địa bàn Lạng Sơn.

Với tình hình căng thẳng của BOT hiện nay và việc chậm triển khai đoạn cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị để thông toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ phương án ghép cao tốc Chi Lăng- Hữu Nghị với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đang triển khai, kèm với điều kiện bỏ một trạm thu phí trên QL 1A.

Bộ GTVT cũng vừa có báo cáo Chính phủ nội dung này. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án, trong đó ưu tiên lựa chọn phương án 1 như đề nghị của tỉnh Lạng Sơn. Phương án 2 (lập dự án BOT độc lập cho đoạn cao tốc Chi Lăng – Lạng Sơn) cũng được trình.

Cụ thể, theo phương án 1, Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh, bổ sung đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT Bắc Giang - TP Lạng Sơn theo định hướng sử dụng 1 trạm thu giá trên Quốc lộ 1. Bộ GTVT đánh giá, phương án này có ưu điểm tiến độ triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, phương án này đã được phía ngân hàng cam kết tiếp tục cho vay vốn.

Giảm phí và để người dân có đường lựa chọn

Trao đổi với PV, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, ưu tiên số 1 trong việc xử lý các tồn tại về BOT hiện nay là đưa lại cho người dân sự lựa chọn miễn phí bên cạnh con đường có trạm thu phí.

Với các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác trên đường độc đạo, đặc biệt là QL 1A, ông Thanh cho rằng, “sẽ không có phương án nào để người dân lựa chọn. Vì vậy, việc Bộ GTVT cần làm là nhanh chóng đàm phán với nhà đầu tư đưa ra mức giảm phí thực sự, phù hợp sức chịu đựng của người dân”.

Cũng theo ông Thanh, việc đưa lại cho người dân lựa chọn chỉ có thể thực hiện ở các dự án: Tuyến tránh; Các dự án làm đường mới, nâng cấp đường cũ và thu ở cả hai đường.

Video: 1.001 cách đối phó thu phí BOT của tài xế

Theo ông Thanh, với các dự án chưa thu phí hoặc đang thi công cũng nên xem xét điều chỉnh ngay theo hướng có sự lựa chọn cho người dân. Ông Thanh cho rằng, đề nghị của Thái Nguyên và Lạng Sơn được người dân ủng hộ, cần phải được xem xét nghiêm túc.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, để phương án này thành công, xoá được các dị nghị về lợi ích nhóm, trục lợi trong lập, triển khai dự án, Bộ GTVT và Chính phủ phải có biện pháp xác định, đối chiếu so sánh để có tổng mức đầu tư dự án thấp nhất. “Đặc biệt, phải có hội đồng độc lập đánh giá tổng mức đầu tư, công khai, minh bạch quá trình đánh giá đó” - ông Thanh nói.

“Quốc hội đã đưa ra điều kiện không được làm BOT thu phí trên đường hiện hữu, đường độc đạo. Đây là quan điểm rất đúng đắn. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đã thực hiện đều không theo quy định đó. Vì thế, ngay cả các dự án đã, đang triển khai, nếu thay đổi để người dân có được tuyến đường miễn phí bên cạnh đường BOT cần xem xét nghiêm túc”Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới