Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều chuyến bay Việt Nam bị chậm do kiểm soát không lưu

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ nhiều chuyến bay tại Tân Sơn Nhất là do kiểm soát không lưu.

Dù tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không Việt vẫn ở mức cao trên thế giới, tại Tân Sơn Nhất, tỷ lệ này chỉ 60-65% mà nguyên nhân chính của chậm trễ là kiểm soát không lưu.

Không hiếm để bắt gặp những dòng chia sẻ về chậm chuyến bay 1-2 giờ của hành khách trên mạng xã hội. Nhiều hành khách bức xúc khi cho rằng đây là biểu hiện của việc hãng hàng không thiếu tôn trọng khách hàng.

Tuy nhiên nếu nhìn trên số liệu, hàng không Việt Nam vẫn có cất cánh đúng giờ (OTP) vào hàng tốt trên thế giới.

Tháng 7, Vietjet Air đúng giờ hơn Vietnam Airlines

Theo số liệu mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7, tỷ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt đạt trung bình 86,9%. Đáng chú ý, trong tháng 7, tỷ lệ cất cánh đúng giờ của Vietjet Air và Jestar Pacific cải thiện mạnh, trong khi Vietnam Airlines bị giảm điểm.

Cụ thể trong tháng này, tỷ lệ cất cánh đúng giờ của Vietnam Airlines giảm 4,2 điểm % so với tháng trước, chỉ đạt 86,4%, thấp hơn của Vietjet Air và mức trung bình của ngành. Nguyên nhân được hãng lý giải chủ yếu do các đường bay được khai thác mạnh gặp khó khăn về thời tiết và khai thác.

hang khong 1

Jetstar Pacific ghi nhận OTP tăng 4,3 điểm so với tháng trước với 602 chuyến chậm, tương đương 17,3%, và đặc biệt hãng không hủy chuyến nào.

Vietjet Air có OTP 87,1%, tăng 8,4 điểm phần trăm so với tháng trước đó, trong khi Bamboo Airways vẫn ghi nhận OTP tốt nhất ngành, ở mức 93,8%.

Trong giai đoạn thống kê gần nhất của Cục Hàng không, không có hãng hàng không Việt Nam nào có OTP dưới 80%.

Hàng không Việt đúng giờ ra sao trên thế giới?

Nhìn ra thế giới, theo thống kê của VariFlight tính tới hết năm 2018, cả hai hãng hàng không của Việt Nam được đơn vị này ghi nhận số liệu là Vietnam Airlines và Vietjet Air đều có tỷ lệ hạ cánh đúng giờ trong nhóm tốt của khu vực.

Còn theo thống kê của OAG trong năm 2018, tỷ lệ đúng giờ của nhiều hãng hàng không nổi tiếng thế giới cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn với các hãng hàng không Việt Nam. Điển hình là Qatar Airways với OTP ở mức 85,17%, KLM ở mức 84,52%, All Nippon Airways là 84,43%, Singapore Airlines là 83,46%, Delta Air Lines là 83,08%, Emirates là 81,44%...

Tại Mỹ, nền hàng không phát triển hàng đầu thế giới, tỷ lệ OTP của các hãng bay còn thấp hơn nữa. OTP của American Airlines chỉ ở mức 71,1%, United Airlines là 69%, Southwest Airlines là 73,9%, British Airways là 71%, Air France là 74,9%...

Có thể thấy mức OTP 86,9% của hàng không Việt là mức cao so với thế giới và nhận định hãng bay Việt “coi thường hành khách” đang không hợp lý về mặt số liệu.

20-45 phút chờ được bayThống kê của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt quanh mức 60-65%.

SAGS cho hay lý do các chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trễ chuyến chủ yếu do kiểm soát không lưu (ATC), thời gian lăn bánh ra vào đường cất hạ cánh (taxi) trung bình từ 20-45 phút.

Quá tải hạ tầng ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm bay của hành khách. (Ảnh: Liêu Lãm)

Các chuyến bay vào sáng sớm, tàu bay trong các khu vực đậu qua đêm không kéo ra được do các chuyến bay trước đó chưa taxi nên không còn bãi trống để kéo ra, hoặc trong khi kéo phải dừng chờ do kẹt kiểm soát không lưu…

Các lý do này dẫn đến việc trễ chuyến, kể cả các chuyến đến sớm từ Đà Nẵng, Hà Nội do kẹt ATC kéo theo các chuyến bay trễ trong ngày tạo thành hiệu ứng dây chuyền.

Tại sân bay Đà Nẵng, tỷ lệ bay đúng giờ cũng chỉ vào khoảng 64,6-86,7% và tại sân bay Cam Ranh chỉ đạt 50%, tức là có 2 chuyến bay thì sẽ có 1 chuyến trễ giờ.

Vào đầu tháng 3/2019, đại diện Cục Hàng không cho hay Việt Nam đang khai thác 22 sân bay, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Trong số này, 21 sân bay đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác và chỉ một sân bay là do tư nhân khai thác.

Lần gần nhất mà ACV xây dựng một sân bay mới đã là năm 2012 với sân bay Phú Quốc. Bảy năm qua ACV chưa xây dựng thêm sân bay mới nào, đúng vào giai đoạn mà hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ ở mức 2 con số phần trăm mỗi năm, vào nhóm những nền hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, điểm nghẽn hạ tầng đang kìm hãm tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam cũng như làm trải nghiệm bay của hành khách bị ảnh hưởng do các cảng hàng không “tắc từ mặt đất đến bầu trời”.

Chia sẻ tại một hội thảo về hàng không, ông Đỗ Đức Tú, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Cụ thể nhất minh chứng cho sự phát triển nóng của hàng không là ở Tân Sơn Nhất. Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất hạ cánh cũng quá tải. Có lần tôi đi TP.HCM, ngồi trên máy bay vô cùng sốt ruột khi phải bay vòng cả tiếng trên trời để chờ hạ cánh”.

Trong khi toàn ngành chưa giải được bài toán hạ tầng, các hãng bay muốn nâng cao trải nghiệm hành khách cũng rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Dù tỷ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng đang ở mức cao so với thế giới, trải nghiệm bay của hành khách vẫn khó trọn vẹn khi chậm chuyến dây chuyền xảy ra.

Nguồn: Zing News

Tin mới