“Lúc đấy em cảm thấy rất chán nản, cô đơn, hụt hẫng”, Ngô Quốc Nam, cậu học trò đang học lớp 11 một trường tư thục ở Hà Nội, chia sẻ với tôi về những ngày tháng sống trong áp lực khủng khiếp lúc biết tin thi trượt cả 2 nguyện vọng vào lớp 10 công lập.
Câu chuyện xảy ra ở kỳ tuyển sinh 2019-2020. Gần 2 năm trôi qua, Nam vẫn nhớ như in cảm giác suy sụp, tuyệt vọng của khoảng thời gian đó.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập không chuyên năm học 2022-2023.
Nam cho biết, sau khi biết kết quả thi, dù không ai trong gia đình mắng mỏ, trách móc nhưng phải nghe những cái chép miệng, lắc đầu của bố hay tiếng thở dài của mẹ, nhiều đêm suy nghĩ, em cảm thấy mình thật kém cỏi, vô dụng, thậm chí xuất hiện cả những suy nghĩ tiêu cực.
May mắn sau đó, được thầy chủ nhiệm năm lớp 9 tư vấn, mẹ đăng ký cho Nam vào một trường tư thục với mức học phí phù hợp điều kiện gia đình. Hòa nhập trong môi trường mới, Nam dần cởi bỏ được mặc cảm tự ti và đang tìm lại sự tự tin cho bản thân mình.
Những năm qua, áp lực của học sinh đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không chỉ đến từ sự cạnh tranh ở tỷ lệ "chọi" cao mà còn từ kỳ vọng của nhiều bậc cha mẹ. Tâm lý "sính" trường công khiến không ít người muốn con mình phải giành bằng được "tấm vé" vào một ngôi trường trung học phổ thông danh giá mà không quan tâm môi trường đó có phù hợp hay không.
Thực tế hiện nay, hệ thống trường Trung học phổ thông ngoài công lập đã phát triển với nhiều mô hình, có sự đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng về mức học phí giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn. Ở môi trường này, các em vẫn được học kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém gì các trường công lập.
Cùng đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề cũng đang tích cực đổi mới với nhiều hình thức dạy học văn hóa kết hợp dạy nghề để thu hút học sinh, góp phần "hạ nhiệt" cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Chính vì vậy, không phải cứ thi trượt lớp 10 công lập thì mọi cánh cửa sẽ khép lại, mà còn nhiều cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở lựa chọn học tiếp lên bậc học cao hơn.
Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận để không tạo áp lực quá lớn cho con, dẫn đến việc định hướng sai, vừa mất thời gian, sức lực vừa ảnh hưởng đến hướng đi của con mình trong tương lai.
Hãy giúp cho trẻ hiểu được rằng, trượt một kỳ thi không có nghĩa là thất bại cả cuộc đời mà điều quan trọng là cách chúng ta vượt qua nó. Nếu trượt kỳ thi này khiến con biết suy nghĩ nghiêm túc về cách tự học, biếp sắp xếp cho mình lộ trình mới để nỗ lực nhiều hơn, thì thất bại hôm nay cũng sẽ thật quý giá.