Trung tuần tháng 5/2020, theo thông tin từ báo chí, năm học 2020-2021 có khoảng 20 tỉnh thành đặt mua sách bộ Cánh Diều, trong đó có cuốn Tiếng Việt 1. Đặc biệt, một số tỉnh ở vùng Nam Bộ chọn bộ sách này với tỉ lệ áp đảo.
Thế nhưng, năm học mới vừa diễn ra hơn một tháng đã có nhiều ý kiến phụ huynh, giáo viên và dư luận cho rằng sách có nhiều sai sót về nội dung không chấp nhận được.
Ngoài những văn bản được phân tích mấy ngày qua, qua thống kê, phân tích, tôi nhận thấy sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều còn có nhiều bài học mà trong đó từ ngữ sử dụng chưa chuẩn xác, cách hành văn lủng củng và đặc biệt nội dung thiếu tính giáo dục.
Bài đọc “Quạ và chó” (trang 99):
Quạ đỗ ở mỏm đá, mỏ ngậm khổ mỡ to. Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ. Nó giả vờ:
- A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm.
Quạ há to mỏ:
- Quà… quà…
Thế là… “bộp”, khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi.
(Theo Truyện ngụ ngôn Ê-dốp – Thành Vân kể).
Bài đọc "Quạ và chó", sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều.
Đây là một trong những bài tập đọc nhận nhiều phản ứng gay gắt của phụ huynh có con đang học lớp 1. Người ta thường nói xe đỗ, tàu đỗ chứ không ai nói quạ đỗ cả - mà phải là quạ đậu. “Khổ mỡ” là phương ngữ, còn từ phổ thông là “miếng mỡ”.
Hơn nữa, loài chó không thủ đoạn như văn bản trên. Ngoài ra, cách miêu tả “khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi” cũng rất thô thiển, không mang tính giáo dục cho học sinh 6 tuổi.
Tiếp đến văn bản “Tiết tập viết” (trang 119) có nội dung:
Lớp Hà có tiết tập viết. Hà viết rất cẩn thận. Thế mà bạn Kiên xô bàn làm chữ “biển” của Hà xiên đi. Hà nhăn mặt. Kiên thì thầm: “Tớ lỡ mà”.
Hà chả giận bạn. Em viết thêm chữ biển thật đẹp. Cô nhìn chữ em, khen: “Chữ Hà đẹp lắm”.
Bài tập đọc này có nội dung khiên cưỡng. Hành động xô bàn của Kiên là có chủ ý chứ không thể lỡ. Điều khiến mọi người bất ngờ là Hà rất bao dung “chả giận bạn”. Lẽ ra Hà phải yêu cầu Kiên xin lỗi mình và hứa lần sau không được tái phạm hành động phá phách thái quá này.
Càng kỳ lạ hơn, cô giáo cũng không có hình thức xử lý kỷ luật Kiên, cô chỉ nhìn chữ Hà và khen đẹp. Học sinh 6 tuổi học được gì từ hai văn bản trên? Rõ ràng là không. Vì nội dung bài viết rời rạc, lủng củng, chắp vá chiếu lệ và thiếu tính giáo dục. Học sinh lớp 1 cần biết nói cám ơn khi được người khác giúp đỡ, tha thứ và phải xin lỗi khi mắc sai lầm, cho dù đó là lỗi do vô tình hay cố ý.
Hoặc văn bản “Thỏ thua rùa” (phần 2, trang 51) cũng có một số điều đáng bàn.
Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ.
Rùa tự nhủ: “Ta sẽ cố”.
Giữa trưa, chị quạ “quà quà”. “A, thỏ thua rùa”
(Theo Truyện ngụ ngôn Ê-dốp).
Cách sử dụng từ ngữ “nhá cỏ”, “nhá dưa” là chưa ổn mặc dù từ “nhá” có nghĩa trong từ điển là “nhai kỹ cho giập, cho nát”. Chắc chắn học sinh lớp 1 không hiểu nghĩa của những từ “nhá cỏ”, “nhá dưa” nên giáo viên phải kỳ công giải thích cho các em hiểu - rất tốn thời gian.
Ngoài ra, tiếng quạ kêu “quà quà” là cách miêu tả âm thanh chưa chuẩn xác. Người Việt thường đặt tên con vật dựa theo đặc trưng định danh như màu sắc, hình thức, môi trường sống,.. trong đó có tiếng kêu. Khi quạ kêu, ta nghe âm thanh gần giống với từ “quạ… quạ…” nên dân gian mới đặt tên là “quạ”.
Bài tập đọc Ve và gà, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều.
Hay văn bản “Ve và gà” (phần 2), (trang 69), cũng còn nhiều điều rất đáng bàn:
Mùa thu qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý:
- Chị… cho ve tí gì nhé?
Gà cho ve và thủ thỉ:
- Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì.
(Phỏng theo La-phong-ten)
Mùa thu qua mà cỏ lá khô cả thì có đúng không? Theo quy luật tự nhiên, thu qua, đông lại tới. Mùa đông lạnh buốt, mưa phùn và có cả mưa to nữa thì sao cỏ lá khô hết? Chưa kể, ve là loại côn trùng, còn gà là gia cầm, khác nhau về môi trường sống thì gặp nhau thế nào?
Ve hút nhựa cây để sống, còn gà ăn lúa, gạo, bông cỏ… Vậy ve gặp gà để xin thức ăn gì? Gà cho ve cái gì? Đã vậy gà thủ thỉ “ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì” là câu nói lủng củng, rối rắm và hoàn toàn không ăn nhập gì với nội dung của văn bản.
Dẫu biết đây là cách viết nhân cách hóa nhằm giúp học sinh lớp 1 hứng thú với bài học, nhưng người biên soạn cũng phải biết đặt các con vật trong mối quan hệ thì mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ và mang lại ý nghĩa cho bài học.
Ngoài ra, còn nhiều bài tập đọc trong cuốn sách này lặp lại một cách đơn điệu theo công thức “X có Y”. Có thể liệt kê một số ví dụ như sau: Bể có cá, có cỏ. Hà có ghế gỗ. Ba Hà có ghế da. Bờ Hồ có ghế đá. Cỗ có giò, có gà. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế. Nhà bà có gà, có nghé. Gà có ngô. Nghé có cỏ, có mía. Bi có phở. Bé Li có na. Bố có cà phê...
Cách diễn đạt như thế này giống như người nước ngoài đang học Tiếng Việt nên làm mất vẻ đẹp trong sáng của tiếng mẹ đẻ.
Thiết nghĩ, tâm hồn trẻ em như trang giấy trắng. Và sách giáo khoa hãy giúp các em vẽ lên ở đó những nét đẹp đầu đời – đó mới là sứ mệnh cao cả của nền giáo dục. Nhưng những bài học đầu đời của các em như đã dẫn thực sự khiến người lớn rất trăn trở: Con em chúng ta rồi sẽ học được gì từ quyển sách này?