Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù không tiếp xúc nguồn bệnh

(VTC News) – Trong tháng 9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư liên tục tiếp nhận bệnh nhân có biểu hiện lâm sàn, bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

(VTC News) – Trong tháng 9 này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng, bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra.

Trong số những bệnh nhân nhập viện trong tháng 9 này, không ít trường hợp bệnh nhân có biểu hiện bệnh lí rất nặng như: hôn mê sâu, rối loạn ý thức, hoại tử toàn thân, phát ban toàn thân, suy thận nặng, giảm thính lực, liệt thần kinh sọ, suy hô hấp phải thở bằng máy…

Hầu hết những bệnh nhân nhập viện đều có tiếp xúc với lợn, thực phẩm chế biến từ thịt lợn và phần lớn trong số đó có ăn tiết canh lợn.

Sáng ăn tiết canh, chiều hôn mê li bì

Mới đây nhất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 38 tuổi, ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, hôn mê sâu, hoại tử da, suy thận… sau khi ăn tiết canh lợn.
 

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn là do ăn tiết canh được chế biến từ lợn bệnh. 

Theo thông tin ghi nhận được từ phía người nhà bệnh nhân, sau khi bệnh nhân này ăn tiết canh và lòng lợn ở chợ về thì bị đau đầu, sốt cao, buồn nôn… Tưởng anh bị cảm mạo thông thường, người nhà đã đi mua thuốc cảm, rồi đánh gió nhưng tình trạng không hề được cải thiện.

Vài giờ sau đó, bệnh nhân dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu, người nhà mới tá hỏa vội vàng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để khám và điều trị. Tại đây, các bác sỹ kết luận, bệnh nhân bị mắc bệnh liên cầu lợn do ăn phải thực phẩm chế biến từ lợn bệnh và ngay lập tức được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị.

 Một bệnh nhân bị hôn mê sâu và hoại tử chi dưới do mắc liên cầu lợn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Theo kết quả nuôi cấy phân lập, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng diễn biến bệnh vẫn còn rất phức tạp và cần được theo dõi sát sao.

"Đã qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng diễn biến bệnh vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Bệnh nhân bị hoại tử nhiều ở chân có khả năng sẽ phải cắt bỏ một phần chi…”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết về tình trạng của bệnh nhân nam này.

Bỗng dưng nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn là do bị lây lan khi tiếp xúc với lợn bệnh, ăn tiết canh lợn, thực phẩm chế biến từ lợn… Tuy nhiên, một số bệnh nhân chưa bao giờ tiếp xúc với mầm bệnh cũng bỗng dưng bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay đã có gần 50 bệnh nhân nhập viện do liên cầu lợn, trong đó có nhiều ca bệnh không tìm thấy mối liên quan với các thực phẩm có nghi ngờ.

Trường hợp bệnh nhân Trần Thu Thủy, 22 tuổi, ở Hà Nội, đang điều trị bệnh liên cầu lợn tại viện là một ví dụ.

Trước và sau thời điểm có những biểu hiện lâm sàng, đau đầu, sốt cao, ù tai, buồn nôn, rối loạn ý thức, hôn mê… Thủy không hề tiếp xúc với bất cứ môi trường mầm bệnh nào hay với bất cứ một thực phẩm nào có nghi ngờ ủ bệnh.

Qua điều tra dịch tễ và nuôi cấy, các bác sỹ cũng không tìm thấy mối liên quan trực tiếp như hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh trước đây. “Thông thường bệnh nhân bị mắc liên cầu lợn đều có tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn tiết canh, lục phủ ngũ tạng làm từ lợn bệnh, nhưng trường hợp bệnh nhân Thủy và một số bệnh nhân nhập viện gần đây không có mối liên hệ đó…”, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết.

Bác sĩ Hà nhận định: Vi khuẩn liên cầu lợn cũng như các vi khuẩn khác là có thế tồn tại ở môi trường tự nhiên lâu hơn virus. Nhưng để nói con đường lây lan của liên cầu khuẩn đã thay đổi như thế nào cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá mới có câu trả lời chính xác. Không loại trừ vi khuẩn này đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác.

 Cần cẩn trọng và biết tự báo vệ khi tiếp xúc với môi trường dễ ủ và lây bệnh liên cầu lợn.

Giải thích về điều này, bác sĩ cho biết thêm, cấu trúc của con vi khuẩn là một tế bào hoàn chỉnh có thể tự sống, trong điều kiện thuận lợi thì sẽ nhân chia lên. Bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh.

Khi mổ thịt, chế biến hoặc tiêu hủy lợn bệnh không đúng cách, không có bảo hộ lao động trong tình trạng tay chân có vết trầy xước, rồi thậm chí ăn các sản phẩm tươi sống từ lợn như tiết canh, lòng lợn,... khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn.

Vi khuẩn này không chỉ trong lợn mà còn ở các động vật khác có khả năng gây bệnh như cừu, trâu, bò... tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nguy cơ gây bệnh của những loại động vật này.

Cách phòng tránh và dấu hiệu nhận biết bệnh liên cầu lợn

Theo thống kê của ngành y tế trong vài năm trở lại đây, liên cầu lợn đã trở thành bệnh mới nổi với số bệnh mắc năm sau nhiều hơn hẳn năm trước. Đặc biệt có tới hơn 60% ca bệnh viêm màng não mủ được xác định do liên cầu lợn gây ra.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, cho hay: Tại miền Bắc, bệnh nhân khi mắc liên cầu lợn thường bị ở thể nhiễm trùng huyết là chính trong khi ở phía Nam lại chủ yếu có biểu hiện của viêm màng não.

Bệnh nhân này mắc liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh lợn bệnh 

Đối tượng mắc bệnh không phân biệt nan nữ, độ tuổi. Bất cứ ai tiếp xúc và ăn những thực phẩm chế biến từ lợn bệnh cũng có thể mắc bệnh. Những người chăn nuôi, giết mổ lợn, ăn các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt và phủ tạng lợn chưa được nấu chín kỹ (nem chua, nem chạo…), có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Khi người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh thường rất ngắn, chỉ từ vài giờ đến ba ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của người khi mắc bệnh liên cầu lợn là: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, giảm sức nghe, cứng gáy…

Với trường hợp bị viêm màng não, bệnh nhân sẽ bị rối loạn ý thức, phát ban ngoài da, giảm thính lực, điếc tai, liệt thần kinh sọ, suy thận nhẹ…

Trường hợp nhiễm khuẩn huyết thường hay nổi ban, tụt huyết áp, hôn mê, hoại tử toàn thân phải cắt các ngón tay chân.

Theo bác sỹ Hồng Hà, những trường hợp này nếu không được phát hiện sớm và tiến hành cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Sau khi điều trị, di chứng thường gặp nhất là điếc tai (khoảng 25-40%). Có một số bệnh nhân rất lâu sau chức năng thận mới hồi phục.

Việc điều trị cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian (dao động từ 1- 2 tháng) nên có không ít gia đình đã bỏ dở việc điều trị.

Tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn nguy cơ lây bệnh liên cầu lợn cao 

Theo các chuyên gia, để phòng bệnh, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đeo găng tay, ăn uống, giết mổ, chế biến cần đảm bảo vệ sinh.

Nếu thấy có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ thì nên nghĩ ngay đến bệnh liên cầu lợn.

Thu Hòe

 

Nguồn:

Tin mới