Theo PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cấu tạo của các loại bóng đèn như huỳnh quang, compact bên ngoài là thủy tinh, nhựa, nhưng bên trong lại có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào phần vỏ.
Khi bóng cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome – một chất cực kỳ độc hại. Đồng thời cùng lúc đó, thủy ngân và bột huỳnh quang sẽ có phản ứng hay bơi, hòa vào không khí khi bị “đun” trong nền nhiệt độ cao.
Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chiều tối 28/8.
Do vậy, mặc dù được đánh giá là rất thân thiện với môi trường, nhưng khi xảy ra cháy nổ, hàng vạn chiếc bóng đèn huỳnh quang, bóng compact sẽ có nguy cơ sản sinh ra các khí độc nồng độ cao, gây hại cho sức khỏe con người. Cụ thể:
Con người hít phải khí độc bay hơi từ thủy ngân ban đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như run rẩy tay chân, mất ngủ, cơ bắp mệt mỏi, nhức đầu…
Khi vào đến máu, thủy ngân nguyên tố sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hô hấp, tiêu hóa và cả hệ miễn dịch gây ra tình trạng ngộ độc, khó thở, ho, nôn…
Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), hơi thủy ngân sẽ tác động tới hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, khiến cho các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người như: phổi, thận, da, mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, những khí độc hại này sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch, hủy hoại nhiễm sắc thể, gây ra các đột biến về hệ thần kinh của bào thai và trẻ em bao gồm: điếc, mất trí nhớ, thay đổi nhân cách, thiếu máu…
Trong khi đó, người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính sẽ bị viêm thận, đạm huyết tăng, có nguy cơ nhiễm axit, giảm clo huyết dẫn tới loét miệng, nôn ra máu, bỏng đường tiêu hóa, thở khó, co giật cơ, mê sảng, chuột rút, nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời sẽ thiệt mạng nhanh chóng chỉ trong khoảng từ 24 đến 36 giờ.
Cũng theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài sẽ có khả năng gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như: gây bỏng trực tiếp niêm mạc, mất máu, mất nước, chảy máu chân răng, cản trở hoạt động của các enzyme, các tế bào và làm tổn thương vĩnh viễn các cơ quan nội tạng rồi thiệt mạng sau đó.
Thậm chí, một số người nhiễm độc quá nặng sẽ bị xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, giảm chức năng vận động, rối loạn thị giác và nguy cơ dẫn tới tình trạng biến đổi gene hay ung thư đặc biệt nguy hiểm.
Bởi vậy, hiểu rõ tác hại của thủy ngân đối với sức khỏe con người để có biện pháp phòng tránh là việc làm cần thiết và đặc biệt quan trọng.
Khoảng 18h ngày 28/8 vừa qua, trên địa bàn quận Thanh Xuân xảy ra vụ cháy bùng phát ở Công ty Rạng Đông (địa chỉ: 87-89 Hạ Đình, phường Trung Liệt).
Khu vực cháy nằm trong khuôn viên kho chứa hàng hàng hóa và nhà xưởng thuộc Công ty Rạng Đông và có diện tích khoảng 6.000 m2 nằm ở phía Đông Nam bao gồm: Kho Compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.
Ngay sau khi nắm thông tin vụ cháy, quận Thanh Xuân chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trước tình hình trên, ngày 29/8, Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình, bà Trần Thị Nhiên đã ký văn bản khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ. Không sử dụng nước tại các bể hở trong bán kính 1 km từ tâm đám cháy.
Văn bản cũng nêu rõ: “Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày”.