Theo Reuters, tên lửa đẩy H3 cao 57 m đã được phóng từ cảng vũ trụ Tanegashima của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Tên lửa này chở theo một vệ tinh giám sát thảm họa tự nhiên có tên ALOS-3. Vệ tinh này cũng được trang bị những cảm biến hồng ngoại tinh vi để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Tên lửa đẩy H3 của Nhật Bản được phóng đi từ cảng vũ trụ Tanegashima hôm 7/3. (Ảnh: Reuters)
Sau khi chính quyền Nhật Bản phải hủy bỏ vụ phóng tên lửa H3 do lỗi động cơ ở tầng thứ 2, giá cổ phiếu của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI), công ty chế tạo thiết bị bay này, giảm 1,8% trong phiên giao dịch sáng 7/3.
Trước đó, vào tháng 2, quốc gia Đông Á này cũng buộc phải hoãn vụ phóng đầu tiên của tên lửa H3 chỉ một khoảng thời gian ngắn trước khi tên lửa dự kiến khởi hành. Nguyên nhân được đưa ra là do các động cơ đẩy phụ trợ của tên lửa đã không thể khởi động.
Sử dụng động cơ được thiết kế theo cách đơn giản hơn, có chi phí thấp và bao gồm những bộ phận được sản xuất bằng phương pháp in 3D, tên lửa H3 được chế tạo với mục đích vận chuyển các hàng hóa của chính phủ và doanh nghiệp tư nhân lên quỹ đạo Trái Đất.
H3 là tên lửa đẩy tầm trung đầu tiên được Nhật Bản chế tạo trong 3 thập kỷ. Thiết bị bay này được sản xuất với mục tiêu giúp Nhật Bản dễ dàng tiếp cận vũ trụ hơn và giành lấy một phần thị trường từ tay các doanh nghiệp tư nhân như SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Theo ước tính của MHI, chi phí cho mỗi vụ phóng của tên lửa H3 rẻ bằng một nửa so với mẫu tên lửa tiền nhiệm là H-II, giúp giành thị phần chở hàng hóa lên quỹ đạo từ những tên lửa như Falcon 9.