Trong cuộc họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản hôm 20/1, ông Suga khẳng định việc đề cập tới Đài Loan trong tuyên bố chung với Mỹ không hề đặt ra giả định về sự tham gia của quân đội Nhật Bản.
Sau cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi tuần trước, ông Suga và Tổng thống Biden ra tuyên bố chung, trong đó đề cập tới "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan". Hai nhà lãnh đạo khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan một cách hòa bình.
Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản đề cập Đài Loan trong một tuyên bố chung kể từ năm 1969.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng. (Ảnh: Kyodo News)
Liên quan tới câu hỏi lời kêu gọi giải quyết hòa bình này có thể thay đổi tình hình thế nào, ông Suga khẳng định Nhật Bản hy vọng các vấn đề xung quanh Đài Loan được giải quyết bằng đối thoại trực tiếp giữa các bên tham gia.
Ông cũng nhấn mạnh tuyên bố chung sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Theo các nhà phân tích, hiến pháp của Nhật Bản sẽ ngăn quân đội can dự trong trường hợp Trung Quốc cố gắng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực dù Tokyo có thể cung cấp một số hỗ trợ về hậu cần cho Mỹ.
Ben Ascione, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda, Tokyo cho rằng ông Suga đang ở một tình thế khó khăn trong vấn đề Đài Loan.
"Nếu ông ấy không nói gì, điều đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến liên minh an ninh Nhật - Mỹ. Nhưng đồng thời, ông ấy cần nói rõ với dư luận trong nước rằng Nhật Bản sẽ không gây chiến liên quan tới vấn đề Đài Loan", ông Ascione cho hay.
Theo chuyên gia này, trong khi Tổng thống Biden hy vọng Tokyo thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ ông Suga, Tokyo nhấn mạnh vào các từ ngữ trong tuyên bố là "hòa bình" và "ổn định".
Yuko Ito, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Châu Á đồng ý rằng ông Suga đang bị trói tay bởi những ràng buộc từ hiến pháp, vốn chỉ cho phép quân đội được triển khai để bảo vệ đất nước và các đồng mình.
"Phần lớn người dân Nhật Bản vẫn phản đối việc sử dụng sức mạnh quân sự của quốc gia. Nhưng họ không nhận ra rằng Nhật Bản đang thực hiện rất nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ ở những khu vực rất gần Đài Loan như một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Nếu bây giờ chúng ta không có cuộc thảo luận nào về việc thay đổi hoặc giải thích lại hiến pháp thì sẽ là quá muộn khi một cuộc tranh luận như vậy diễn ra sau khi Trung Quốc tấn công Đài Loan", bà Ito cho hay.